Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng một xe tải tại huyện Thạch Thất.
Ảnh: Tuấn Khải
Đó là nội dung Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến nhấn mạnh xung quanh việc xử lý xe quá khổ, quá tải.
Theo ông Lê Xuân Tiến, hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa gồm 2 loại hình chính là bằng xe tải thường và xe tải đầu kéo. Tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nên hằng năm Thanh tra Sở Giao thông vận tải đều phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan và chính quyền địa phương xây dựng chuyên đề kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe.
Trong đó, 7 tháng năm 2024, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 3.744 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 16 tỷ đồng, tạm giữ 21 phương tiện, tước giấy phép lái xe 454 trường hợp với hành vi chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, gây mất vệ sinh môi trường...
Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường, Sở Giao thông vận tải Hà Nội lập 6 đoàn kiểm tra tại 40 đầu mối bốc xếp hàng hóa và 29 doanh nghiệp vận tải; yêu cầu 100% đơn vị, doanh nghiệp vận tải cam kết chấp hành quy định về tải trọng phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông...; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Đặc biệt, thông qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình, Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã xử lý 117 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 45 trường hợp.
Tuy nhiên thực tế nhiệm vụ này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do lực lượng chức năng mỏng, trong khi các chủ xe, tài xế tìm mọi cách trốn tránh, lưu thông vào ban đêm. Một số tài xế, chủ xe tìm mọi cách chống đối việc kiểm tra phương tiện, tải trọng khiến thời gian xử lý bị kéo dài.
Thậm chí có doanh nghiệp bố trí người theo dõi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, sau đó báo cho các xe tránh né; lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; nhiều đơn vị không chịu chấp nhận xử phạt dù biết sai...
Để làm tốt việc kiểm soát tải trọng xe, Thanh tra Sở đã phối hợp với lực lượng chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại các đơn vị vận tải có nhiều phương tiện vi phạm và tái phạm nhiều lần. Nội dung kiểm tra gồm điều kiện kinh doanh vận tải, việc chấp hành quy trình bảo đảm an toàn giao thông cũng như những nội dung mà doanh nghiệp đã ký cam kết về kiểm soát tải trọng. Lực lượng chức năng cũng tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình để xử lý vi phạm.
Thông qua kiểm tra, Thanh tra Sở sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải với những doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động, không chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải hoặc kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp vận tải có vi phạm nhưng chưa đến mức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu theo quy định.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở đang phối hợp với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thành phố Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải nhằm kịp thời phát hiện phương tiện vi phạm thông qua hình ảnh, thiết bị cân tải trọng tự động lắp đặt trên các tuyến đường trọng yếu, cửa ngõ Thủ đô. Đây là cơ sở để chúng tôi kịp thời xử lý, chấn chỉnh lái xe và chủ xe kinh doanh vận tải vi phạm.
Cùng với đó, chúng tôi đã báo cáo thành phố kiến nghị các bộ, ngành liên quan sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng nặng mức phạt với các hành vi như: Lái xe điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn, ma túy; chở quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng...
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp về kiểm soát tải trọng xe như kiểm soát phương tiện vận tải từ đầu nguồn, kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ của lực lượng chức năng và đầu tư các trạm cân tự động trên các tuyến đường giao thông huyết mạch sẽ giúp nâng cao hiệu quả chuyên đề xử lý quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng trong thời gian tới.
P.V