Ngầm Bai Vọ, xóm Khoang, xã Xuân Thuỷ (Kim Bôi) thường xuyên bị ngập sâu
khi mưa lũ khiến nhiều hộ dân bị cô lập
Cầu Hoà Bình 1 bắc qua sông Đà, thành phố Hoà Bình được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2000. Qua 24 năm khai thác, cầu Hoà Bình 1 được sửa chữa 1 lần mặt cầu, khe co giãn vào năm 2016 và được kiểm định kỹ thuật năm 2023. Từ lâu cầu Hoà Bình 1 đã cấm xe tải có tải trọng trên 2,5 tấn đi qua vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, đây là cây cầu ở trung tâm thành phố Hoà Bình, hàng ngày lưu lượng xe qua lại rất lớn. Trong mùa mưa bão này, do đập thủy điện Hòa Bình xả lũ, mực nước trên sông Đà dâng cao, dòng nước chảy xiết, để đảm bảo an toàn, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, Sở GTVT Hòa Bình tạm thời yêu cầu dừng lưu thông các phương tiện giao thông có trọng tải trên 1,5 tấn qua cầu.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 133 cầu, 150 ngầm tràn. Trong đó có 12 cầu yếu và 27 ngầm tràn cần nâng cấp, sửa chữa do đã xuống cấp và xây dựng lâu năm chưa được duy tu bảo dưỡng. Con số này được đưa ra sau quá trình rà soát, đánh giá trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải…
Các cầu yếu trên địa bàn tỉnh chủ yếu hư hỏng kết cấu chịu lực. Theo đó, đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng… Còn với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang bị rỉ sét, dầm cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đa số các cầu trong danh sách cầu yếu đều phải hạn chế tải trọng do đã được xây dựng từ lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp. Nhiều cầu chỉ đủ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy,... không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại.
Một số cầu có quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu. Chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị co thắt, gián đoạn. Đặc biệt, một số cầu dân sinh, cầu qua ngầm tràn không có lan can bảo vệ.
Theo báo cáo nhanh của đồng chí Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình tại hội nghị UBND tỉnh đánh giá thiệt hại do bão số 3 được tổ chức ngày 11/9, mưa lớn trong những ngày vừa qua làm sạt lở taluy dương 170 vị trí với tổng khối lượng sạt lở khoảng 25 nghìn m3. Có nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn gây tắc đường cục bộ. Sở GTVT đã kịp thời cử lực lượng san ủi, dọn dẹp bề mặt đường, đảm bảo lưu thông. Có 15 vị trí ngầm ngập sâu từ 0,3 - 1m gây tắc đường. 3 vị trí ngầm đang thi công trên đường tỉnh 447 bị đứt đường tránh gây ách tắc giao thông. Có 22 điểm sạt lở taluy âm với tổng chiều dài khoảng 252 m, trong đó một số vị trí sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ đứt gãy như km139+080, quốc lộ 70B; km22 đường tình 448.
Hiện, Sở GTVT Hòa Bình khẩn trương huy động nhân công, máy móc xử lý các điểm sạt lở. Riêng đối với hệ thống cầu, ngầm yếu, Sở đang lên kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng cầu Hoà Bình 1. Đồng thời rà soát và đánh giá kỹ thuật đối với các cầu, ngầm tràn trên địa bàn để có phương án sửa chữa, khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân. Trước mắt, Sở chỉ đạo các địa phương phân luồng, cắm biển báo, cấm các phương tiện trọng tải lớn đối với 12 cầu yếu trên địa bàn. Trong quá trình đầu tư, ưu tiên các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông phải được xử lý ngay. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra tải trọng xe qua các cầu tuyến huyện, nhất là lưu thông qua các cầu yếu mà vượt quá tải trọng.
Theo Báo Hòa Bình