Điểm sạt lở lớn phía taluy âm tại Km285+900, đường sắt Hà Nội - Lào Cai,
đoạn thuộc địa phận thôn Làng Giàng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng
Hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lớn, sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Theo thống kê của ngành đường sắt, đoạn chạy qua địa phận tỉnh Lào Cai xuất hiện hàng chục điểm sạt lở taluy. Trong số này có 3 điểm sạt lở taluy âm với khối lượng lớn khiến việc lưu thông của các chuyến tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa dừng hoạt động từ ngày 7 - 16/9; các chuyến tàu vận chuyển hành khách dừng hoạt động từ ngày 7 - 23/9.
Có mặt tại điểm sạt lở taluy âm lớn và nghiêm trọng nhất trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai tại Km285+900, đoạn thuộc địa phận thôn Làng Giàng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, nhận thấy không khí làm việc của các công nhân rất khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm. Ông Nguyễn Cát Hiệp, Cung trưởng Cung Cầu đường Lạng, Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào cho biết: Những năm trước, mưa lũ cũng gây sạt lở trên đường sắt nhưng đều là phía taluy dương nên việc khắc phục, sửa chữa rất đơn giản. Kể từ năm 2008 đến nay mới xuất hiện sạt lở taluy âm với khối lượng lớn như vậy nên việc khắc phục, sửa chữa tốn nhiều công sức và mất thời gian. Trong đó, việc tập kết nguyên liệu, vật liệu như sắt, đá, cát… để kè taluy âm rất khó khăn do không có đường bộ vào khu vực sạt lở.
Được biết, điểm sạt lở taluy âm tại Km285+900 sát vào vai đá nền đường tàu, chiều dài khoảng 35 mét, chiều sâu 11 mét. Công tác khắc phục, xử lý điểm sạt lở này được triển khai từ ngày 10/9, dự kiến hoàn thành trong khoảng 45 ngày. Để xử lý, khắc phục điểm sạt lở này, đơn vị thi công đã phải sử dụng gần 800 m3 đá hộc, cát, hơn 11 tấn sắt, thép và hàng chục tấn xi măng…
Ông Nguyễn Cát Hiệp cho biết thêm: Ngay sau khi thời tiết tạnh ráo, chúng tôi đã huy động khoảng 20 công nhân cùng máy móc, thiết bị triển khai việc khắc phục các điểm sạt lở taluy âm. Trước mắt, để hoạt động vận tải hàng hóa được thông suốt, chúng tôi đã kê các điểm đường ray bị lún, tăng cường gia tải. Đến ngày 23/9, các chuyến tàu khách đã hoạt động trở lại nhưng khi qua vị trí sạt lở chỉ lưu thông với tốc độ chậm từ 5 - 10 km/h để đảm bảo an toàn.
Máy xúc được huy động để san gạt đất, đá tại các điểm sạt lở
Tính đến ngày 23/9, anh Lục Văn Mạnh, công nhân Cung Cầu đường Lạng, Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào đã làm việc liên tục tại điểm sạt lở Km285+900 được 10 ngày. Công việc của nhóm anh Mạnh chủ yếu là dùng sức người vận chuyển đá hộc, sắt V150, rọ đá… tới chân công trình thực hiện việc kè chắn.
Anh Lục Văn Mạnh cho biết: Mặc dù khó khăn, vất vả bởi khối lượng vật tư lớn, vận chuyển khó khăn nhưng anh em chúng tôi bảo nhau nỗ lực làm việc từ 9 - 10 giờ/ngày để đảm bảo tiến độ công trình, giúp việc chạy tàu được thông suốt, an toàn.
Được biết, đến thời điểm này, các chuyến tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai đã hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cũng như đi lại của người dân.
Bà Đỗ Thị Gấm, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Lào Cai cho biết: Do ảnh hưởng của sạt lở nên thời gian di chuyển của các chuyến tàu vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chậm hơn khoảng 2 giờ so với trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi và các đơn vị liên quan luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân một cách tốt nhất và đặc biệt đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Mưa lũ đã tàn phá nặng nề hạ tầng đường sắt trên địa bàn tỉnh nhưng với nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan, những chuyến tàu quen thuộc lại tiếp tục ngày đêm miệt mài hoàn thành sứ mệnh cao cả là vận chuyển hành khách, hàng hóa từ dải đất biên cương đi muôn phương và ngược lại an toàn, góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả thiên tai cũng như sự phát triển chung của tỉnh.