Các đại biểu tại buổi lễ.
Đến dự lễ gắn biển và thông xe có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Ông Ngô Ngọc Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây dựng cầu vượt theo hướng Yên Phụ - Nghi Tàm bằng kết cấu thép lắp ghép, đồng thời điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ cửa khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi, dài 1,1km bằng bê tông cốt thép. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 271 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã thông xe và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2018.
Giai đoạn 2, đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ đoạn từ lối vào Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, với chiều dài tuyến bổ sung khoảng 3,7km, gồm xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất kết hợp với mở rộng mặt đường đê; cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên, với quy mô mặt cắt ngang từ 26,5m đến 31m (trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5m đến 21m). Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 544 tỷ đồng.
Về dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu, theo UBND quận Tây Hồ, dự án có tổng mức đầu tư hơn 388,4 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 291,5 tỷ đồng), với quy mô xây dựng và cải tạo đường theo hiện trạng tuyến nằm trên địa bàn phường Quảng An và phường Tứ Liên, chiều dài khoảng 1,1km (bắt đầu từ phố Tô Ngọc Vân đến ngã ba giao với đường Âu Cơ). Dự án được triển khai từ tháng 11/2021.
Phát biểu tại lễ gắn biển công trình và phát lệnh thông xe, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với 2 dự án này, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, kéo dài do thời tiết bất lợi; khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ rất lớn, trong khi vẫn phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ bình thường. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm cho dự án bị gián đoạn…
Tuy nhiên, với nỗ lực rất lớn, đến nay cả 2 công trình đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa vào thông xe, góp phần nâng cao năng lực giao thông của thành phố, tăng cường khả năng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng, đồng thời nâng cao năng lực phòng, chống lũ của tuyến đê hữu Hồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu ngay sau lễ thông xe, Sở Xây dựng nghiệm thu hoàn thành công trình để chủ đầu tư bàn giao; tiếp nhận hệ thống chiếu sáng, trang trí, cây xanh, thoát nước .
Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến đường.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, có phương án tổ chức giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ với hạ tầng giao thông khu vực; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giao thông để hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông; tiếp nhận quản lý, vận hành, duy tu lòng đường theo phân cấp quản lý.
UBND quận Tây Hồ quản lý, vận hành, duy tu công trình hạ tầng theo phân cấp quản lý; nghiên cứu phương án chỉnh trang mặt tuyến phố; bảo đảm trật tự, văn minh đô thị.