Vé xe buýt Hà Nội: Tăng giá gắn với nâng chất lượng

Thứ năm, 17/10/2024 14:07

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá kể từ ngày 1/11/2024. Đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt cho rằng, việc điều chỉnh giá vé vào thời điểm này là phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến người dân.

Tăng giá vé sẽ góp phần tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đổi mới xe buýt, chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Hành khách chờ xe buýt tại Trạm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). 

Tăng giá là cần thiết

Những năm qua, mạng lưới xe buýt ngày càng phát triển rộng khắp, cùng với đường sắt đô thị trở thành phương tiện đi lại nòng cốt. Đánh giá về chính sách giá vé xe buýt hiện nay, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho rằng, chủ trương phát hành vé tháng theo cơ chế trợ giá của thành phố, với mức giá hấp dẫn đã và đang khuyến khích người dân đi xe buýt, giúp giảm phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường cũng như tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Hiện nay, số lượt đi lại của hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng sản lượng khách đi xe buýt.

Tuy nhiên, cơ cấu vé và giá vé hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh gần nhất (năm 2014), mạng lưới mới có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến có cự ly dài nhất là 49,9km. Đến nay, sau 10 năm mở rộng vùng phục vụ, mạng lưới đã có 132 tuyến phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã; tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05km. Bên cạnh đó, các tuyến có cự ly 30-60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp.

Lý giải thêm về việc cần thiết phải tăng giá vé xe buýt, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, hàng loạt chi phí đầu vào cho hoạt động xe buýt đều đã tăng cao so với thời điểm cách đây 10 năm. Đơn giá bình quân cho xe buýt chạy bằng dầu diesel áp dụng từ năm 2017 là 16.308 đồng/km, tăng 2.125 đồng/km (tương đương 15%) so với năm 2014. Năm 2023, đơn giá vận hành bình quân cho xe buýt chạy bằng dầu diesel là 21.080 đồng/km (tăng 30,9%). Bên cạnh đó, đơn giá vận hành bình quân 1km cho các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn so với loại buýt diesel. Chi phí tăng cao nên trợ giá ngân sách cũng ngày càng tăng (năm 2018 là 1.697 tỷ đồng và đến năm 2022 là 2.958 tỷ đồng). Doanh thu từ xe buýt chỉ bằng 14% so với chi phí nên hằng năm ngân sách phải trợ giá 86% tổng chi phí.

“Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp so với khả năng chi trả của người dân, kể cả người lao động có thu nhập thấp. Do vậy, việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp. Việc điều chỉnh này sẽ tác động không lớn đến đời sống của đa số người dân và xe buýt vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác”, ông Đào Việt Long nhận định.

Tạo động lực để xe buýt phát triển

Việc tăng giá vé xe buýt liệu có dẫn đến khả năng sụt giảm hành khách? Trước câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco - đơn vị chủ lực của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực xe buýt) Ngô Xuân Phú cho rằng, trợ giá cho vận tải hành khách công cộng về bản chất là trợ giá trực tiếp cho hành khách đi xe. Người dân chi trả thêm thì ngân sách sẽ giảm trợ giá. Theo quy luật thị trường, trong giai đoạn đầu khi tăng giá vé, sản lượng hành khách sẽ có sự sụt giảm, cần thời gian nhất định để phục hồi dần. Tuy nhiên, phải tới 10 năm mới quyết định điều chỉnh giá vé như vậy là thành phố đã rất cân nhắc tình hình kinh tế - xã hội chung, cũng như khả năng chi trả của người dân.

“Đa phần hành khách không quá lo lắng với việc tăng giá bởi mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm bảo đảm tăng giá vé phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ”, chị Nguyễn Phương Mai (số 29 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) nêu.

Đề cập tới vấn đề này, ông Ngô Xuân Phú khẳng định, việc kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Tổng công ty, được thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, như: Nâng cao chất lượng phương tiện thông qua kiểm soát chất lượng bảo dưỡng sửa chữa, đầu tư đổi mới xe buýt; nâng cao chất lượng phục vụ bằng việc thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn, các đợt thi đua nhằm nâng cao ý thức thái độ, kỹ năng phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé; thực hiện chi trả lương cho đội ngũ lao động trực tiếp gắn với chất lượng dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ gia tăng tiện ích cho hành khách…

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội Trần Thị Phương Thảo cũng cho rằng, nguồn thu từ tăng giá vé sẽ tạo điều kiện đổi mới phương tiện, chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng vùng phục vụ nhằm thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt…

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:92070
Lượt truy cập: 175.438.691