Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, đến hết ngày 21/10, tổng sản lượng thực hiện của 4 gói xây lắp công trình chính đạt 32,88%/32,79% vượt khoảng 0,09%. Đến nay, đã bàn giao/phải thu hồi 389,36ha/391,8ha, đạt tỷ lệ 99%, tương đương với 56,6km/57,014km toàn tuyến, đạt 99%. Các đơn vị cung cấp cát đã cấp cho dự án thành phần 1 được 2.562.832m3 (theo báo báo của nhà thầu và đơn vị cung cấp) trên tổng khối lượng 9.321.000m3 cát cần cho dự án (khối lượng cát tập kết đến công trường được tổng hợp từ nhà thầu thi công và đơn vị khai thác). Tiến độ giải ngân đến thời điểm báo cáo 3.132.459 triệu đồng/3.222.755 triệu đồng, đạt 97%. Dự kiến giá trị giải ngân đến hết tháng 10/2024 sẽ đạt 3.222.755 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao…
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành tỉnh và chủ đầu tư cùng lãnh đạo 2 huyện Thoại Sơn và Châu Thành đã trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, liên quan đến nguồn cung ứng vật liệu thi công (cát, đá), công tác giải phóng mặt bằng và tình hình giải ngân vốn đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu và các ngành, chính quyền địa phương trong công tác triển khai thực hiện dự án. Qua đó, đề nghị chủ đầu tư và các ngành chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thực hiện đúng tiến độ thi công và giải ngân vốn đảm bảo đạt và vượt kế hoạch năm 2024, chuẩn bị tốt điều kiện cho năm 2025.
Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và tổ công tác phải tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện dự án để báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm chủ trì và phối hợp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang tăng cường làm việc với các nhà thầu để đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Trong quá trình thực hiện, khi gặp khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương phối hợp các nhà thầu, các sở ngành hoặc trực tiếp tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ. Đặc biệt, triển khai đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, đường gom dân sinh, hệ thống mương nước và các cống tròn ngang đường phục vụ sản xuất nông nghiệp… Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu cát và đá. Trong đó, phải xác nhận đầy đủ nguồn cung cát cho dự án cũng như là các hạng mục kèm theo.
Sở Tài Nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn tất xử lý vi phạm những mỏ vi phạm trong thời gian sớm nhất và khẩn trương báo cáo kết quả xử lý cho UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể, chi tiết và hoàn thành hồ sơ xin ý kiến đưa vào khai thác trở lại. Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá tác động môi trường từng khu mỏ đang khai thác để đề xuất nâng công suất khai thác không vượt quá 50%. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện khoanh vùng quy hoạch, tìm kiếm các mỏ cát mới đủ điều kiện khai thác; tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn cho tỉnh thủ tục đóng cửa mỏ và thủ tục khai thác mỏ đá Antraco. Đặc biệt lưu ý, đối với các mỏ cát, đá khai thác đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra sai phạm.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ các hộ di dời để sớm bàn giao mặt bằng. Riêng đối với, 6 trường hợp chưa thống nhất phương án bồi thường, các sở ngành và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục, song song đó hoàn thiện tất cả hồ sơ, khi cần thiết sẽ thực hiện cưỡng chế. Đồng thời, tập trung hoàn thành khu tái định cư ở huyện Châu Phú, đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ đời sống của người dân./.