Theo chỉ đạo, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh được giao vai trò chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 để triển khai các công việc quan trọng.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần rà soát và xác định suất đầu tư, lựa chọn công nghệ phù hợp, đồng thời đánh giá khả năng làm chủ công nghệ trong vận hành và khai thác.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn thành
khoảng 183 km đường sắt đô thị.
Ngoài ra, việc xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị đầu máy và toa xe, cũng như lên kế hoạch đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực và xây dựng mô hình quản lý khai thác là nhiệm vụ cấp bách.
UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất giao Sở Tài chính phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cùng các đơn vị liên quan báo cáo về đánh giá nợ công từ các dự án đường sắt đô thị, đảm bảo tuân thủ chỉ đạo từ UBND TP, sau đó gửi Sở GTVT để tổng hợp.
Theo lộ trình, trước ngày 7/11/2024, Sở GTVT có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ Đề án, tiếp thu ý kiến từ Bộ GTVT và chuẩn bị báo cáo cho UBND TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Sở cần bố trí nhân sự và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chủ động phối hợp với Bộ GTVT để hoàn thiện Đề án, Tờ trình, Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị.
Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km đường sắt đô thị nhằm tạo nền tảng hạ tầng giao thông hiện đại và bền vững cho TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 là 40,8km/40,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 2 là 20,22km/62,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 là 29,53km/62,17km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 là 36,82km/43,4km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 là 32,5km/53,87km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 là 22,85km/53,8km.
Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36 km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08 km.
Trong giai đoạn này sẽ xây dựng thêm các tuyến như sau:
Tuyến đường sắt đô thị số 2 là 42,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 là 32,64km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 là 6,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 là 21,37km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 là 30,95km; Tuyến đường sắt đô thị số 7 là 51,23km/51,23km.
Đến năm 2060, sẽ xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch được duyệt, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km.
Cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 8 là 42,8km/42,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 9 là 28,3km/28,3km; Tuyến đường sắt đô thị số 10 là 87,84km/87,84km.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng 837.249 tỷ đồng (tương đương 34,92 tỷ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.
Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025 cần khoảng 7.188 tỷ đồng (tương đương 0,3 tỷ USD). Giai đoạn năm 2026-2030 khoảng 478.065 tỷ đồng (19,94 tỷ USD). Giai đoạn năm 2031-2035: khoảng 351.996 tỷ đồng (14,68 tỷ USD)./.