Tàu ngày càng lớn, hạ tầng hàng hải Việt Nam đáp ứng ra sao?

Thứ ba, 19/11/2024 09:15

Việc tận dụng lợi thế tự nhiên của hạ tầng hàng hải công cộng đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn có những hạn chế cần được điều chỉnh.

Xu hướng tăng kích cỡ tàu

Theo Cục Hàng hải VN, tàu container trọng tải lớn là một xu hướng tất yếu của ngành hàng hải toàn cầu. 10 năm trở lại đây, các kích cỡ tàu mẹ Megamax 24.000 Teus đã xuất hiện phổ biến hơn trên thị trường.

Ngày càng có nhiều tàu biển trọng tải lớn ra vào cảng biển Việt Nam

(Ảnh: SSIT).

Tạp chí hàng hải uy tín Alphaliner cũng khẳng định xu thế tăng kích cỡ tàu container 18.000- 24.000 Teu ngày càng rõ rệt. Thống kê đến tháng 5/2020, kích cỡ tàu này đã có 117 tàu, lượng hàng đảm nhận là 2,36 triệu Teu, chiếm 10% tổng lượng container của thế giới. Cỡ tàu lớn nhất chủ yếu nằm ở phân khúc tàu trẻ, có đội tuổi từ 0-4 tuổi. Tàu dầu có kích thước trung bình cao nhất, tiếp theo là tàu hàng rời và container.

Những năm qua, kích thước tàu tăng khá nhanh để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Gần đây, đội tàu chở hàng thế giới đã tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt từ 2,71% - 4,13% về trọng tải và từ 1,3 - 2,78 % về số lượng.

Kích cỡ tàu có xu hướng ngày càng tăng nhằm tiết kiệm chi phí khai thác, đặc biệt là các tàu container với thế hệ siêu tàu cỡ 23.000 - 24.000 Teu ra đời. Trong các năm từ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đội tàu container đã giảm rõ rệt, từ 5,6% năm 2018 xuống còn 4% năm 2019 và chỉ còn 2,91% trong năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi thị trường bùng nổ vào giữa năm 2020, giá cước vận tải leo thang do thiếu hụt nguồn cung đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng tàu. Tốc độ đóng mới tàu container tăng mạnh.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng tàu container đặt đóng mới đã đạt 474 tàu, tương đương 4,2 triệu Teu. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các đơn đặt đóng mới tàu container là cỡ tàu trên 15.000 Teu (75,6%).

Năm 2022, tổng trọng tải (DWT) đội tàu toàn cầu tăng 3,2% so với năm trước, đạt tổng cộng 2,27 tỷ tấn trọng tải. Tổng trọng tải đội tàu chở dầu tăng 3,4%, tăng so với mức tăng trưởng 1,6% của năm 2021. Tổng trọng tải đội tàu hàng rời tăng ở mức vừa phải 2,8% trong khi đó đội tàu tàu chở khí hóa lỏng tăng 5,0%.

Trong đó, các con tàu Megamax đã được các hãng đưa vào khai thác cho các tuyến dài Á - Âu và Á - Bắc Mỹ, giúp giảm chi phí đơn vị nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu trên mỗi Teu vận chuyển.

Tuy nhiên, xu hướng tăng kích cỡ tàu đặt ra những yêu cầu cao hơn về độ sâu luồng lạch, mớn nước, các tiêu chuẩn về kiểm định an toàn... cho hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải.

Tận dụng tốt hạ tầng hiện hữu, nâng cấp khu vực có hạ tầng hạn chế

Theo đánh giá của Cục Hàng hải VN tại Đề án Nghiên cứu nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng bến cảng hiện hữu, với 298 bến cảng và 614 cầu cảng trải dài khắp các vùng biển của đất nước, hạ tầng hàng hải Việt Nam hiện đủ khả năng tiếp nhận các tàu biển có trọng tải lớn, bao gồm tàu container, tàu hàng rời, tàu dầu, và tàu chuyên dụng.

Điển hình, các bến cảng tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiếp nhận thành công các tàu container siêu lớn với trọng tải lên đến 145.000 - 225.000 DWT.

Đáng chú ý, nhiều bến cảng hiện hữu có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn mà chưa cần thực hiện các đợt nâng cấp quy mô lớn.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tận dụng tốt các kết cấu cảng hiện hữu là khả năng linh hoạt trong việc tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn thiết kế thông qua giảm tải, điều phối luồng lạch, và quản lý thời gian tàu ra vào cảng hợp lý.

Ngoài tận dụng hạ tầng sẵn có, hệ thống luồng hàng hải công cộng tại Việt Nam cũng đã được nâng cấp để đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu lớn hơn mà không cần phải điều chỉnh kết cấu bến cảng.

Các tuyến luồng quan trọng như Cái Mép - Thị Vải, Hải Phòng, Nghi Sơn và Dung Quất đã được nạo vét, mở rộng, đảm bảo độ sâu và độ rộng phù hợp, giúp các tàu trọng tải lớn có thể hành trình an toàn mà không gây ra ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng của các bến cảng.

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng một chiến lược quy hoạch dài hạn nhằm nâng cấp hệ thống cảng biển, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của ngành vận tải biển.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng về việc phát triển các cảng biển chiến lược và xây dựng những tuyến luồng hàng hải đủ khả năng tiếp nhận tàu lớn hơn.

Dù vậy, xu hướng phát triển cỡ tàu trên thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển hạ tầng hàng hải Việt Nam.

Trong bối cảnh các tàu container có sức chứa trên 20.000 Teu ngày càng phổ biến, các tàu chở hàng rời, hàng lỏng đang được mở rộng về quy mô, để bắt kịp xu hướng, hệ thống cảng biển Việt Nam phải đối mặt với thách thức không chỉ về nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng, còn phải đảm bảo luồng lạch đủ sâu và rộng để tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn.

"Để tận dụng hết tiềm năng này, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cấp các khu vực hạ tầng còn hạn chế. Đồng thời, hoàn thiện các chính sách quản lý và quy trình khai thác nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững cho ngành hàng hải trong tương lai", Cục Hàng hải VN nhận định.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:118879
Lượt truy cập: 175.346.727