TP HCM đặt mục tiêu làm 355km metro trong 10 năm

Thứ tư, 11/12/2024 13:28

Chiều 10/12, tại kỳ họp cuối năm HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm thay mặt UBND TP trình HĐND các nội dung thuộc Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM (Đề án metro), theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

TP HCM đặt mục tiêu làm 7 tuyến metro dài 355km trong 10 năm

Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355km.

Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km. Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM sẽ tăng gấp 25 lần so với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.

Trước đó, TP đặt mục tiêu đến 2035 hoàn thành 183km metro, đến 2045 hoàn thành 168km; đến 2060 hoàn thành tiếp 159km là hoàn thành mạng lưới 510km. TP cũng chia làm ba giai đoạn để thực hiện mục tiêu này với tổng mức đầu tư 37 tỷ USD.

Theo ông Lâm, trên tinh thần mới mà Thủ tướng yêu cầu là phải đẩy nhanh tiến độ dự án metro, rà soát lại quy hoạch, đảm bảo tư duy hiện đại, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, nghiên cứu cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện tốt nhất có thể…, Bộ GTVT cũng giao TP HCM nghiên cứu. Từ đó, TP muốn tăng quy mô thực hiện metro.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp khai thác chính thức

sau hơn 10 năm thực hiện

Cũng theo ông Lâm, các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Với quy mô mới này, TP HCM cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 40 tỷ USD từ nay đến 2035 (tăng 3 tỷ USD). Tổng nhu cầu vốn cho từng giai đoạn trên lần lượt khoảng 40 tỷ USD và gần 27 tỷ USD. Thời gian hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km được rút ngắn vào năm 2045, thay vì đến năm 2060 như trước.

Để thực hiện đề án đột phá này, TP kiến nghị 43 cơ chế thuộc 6 nhóm chính, bao gồm: Quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền triển khai; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác...

Về phương án nguồn vốn, đề án xác định đầu tư công là chủ đạo với kế hoạch dự kiến huy động từ nhiều nguồn, như tăng thu ngân sách Trung ương, thành phố được giữ lại; phát triển TOD; phát hành trái phiếu địa phương...

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, thành phố tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án metro.

Về kế hoạch triển khai thực hiện, ông Lâm cho biết, từ nay đến giai đoạn 2025 - 2027 sẽ chuẩn bị đầu tư. Năm 2027 - 2028 triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công công trình.

Thêm vào đó, TP cũng sẽ chia làm hai giai đoạn để thực hiện, bao gồm giai đoạn từ nay đến 2035 và từ 2035 đến 2045.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:108166
Lượt truy cập: 175.343.691