Ninh Thuận: Đầu tư hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Thứ năm, 06/02/2025 20:48

Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên và huy động nhiều nguồn để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT), tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Ngày 30/4/2024, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành và chính thức thông xe toàn tuyến nối vào trục cao tốc Bắc - Nam, đưa Ninh Thuận là một trong nhóm tỉnh đầu tiên khu vực duyên hải miền Trung kết nối trục cao tốc Bắc - Nam. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh, quốc phòng và tạo đà chuyển dịch KT-XH; đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho tỉnh Ninh Thuận. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận

Ông Trịnh Thế Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Gia Việt cho biết: Việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, nhất là tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào trục Bắc - Nam kết nối trong tỉnh cũng như với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và kết nối giao thương. Qua đó, rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Ninh Thuận từ 6 giờ xuống còn gần 4 giờ; Phan Thiết - Phan Rang, Phan Rang - Nha Trang từ 3 giờ nay chỉ còn 1,5 giờ. Đồng thời, góp phần vận chuyển hàng hóa Ninh Thuận tiêu thụ nhanh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí logistics; tác động thay đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, với việc khởi động dự án đường sắt tốc độ cao, Ninh Thuận sẽ hội tụ HTGT cả 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường biển, đường sắt tốc độ cao, tạo sự kết nối giao thương Ninh Thuận với cả nước và quốc tế.

Còn ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận, hồ hởi: HTGT phát triển, ngành du lịch được hưởng lợi rất nhiều. Minh chứng, với việc đưa cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào sử dụng ngay dịp nghỉ lễ 30/4 và mùa du lịch hè năm 2024, đã góp phần tăng trưởng cao cho du lịch Ninh Thuận. Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt khách, tăng 17,2% so cùng kỳ, đạt 106,3% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.890 tỷ đồng. Giao thông thuận lợi, thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.

Nhờ đầu tư kết cấu giao thông thuận lợi nên du khách
đến huyện Ninh Hải ngày càng tăng

Trong những năm gần đây, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để đầu tư, giải quyết cơ bản những nhu cầu cấp bách, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông với cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2021-2024, với nhiều hình thức, tỉnh đã huy động hơn 13.019 tỷ đồng để đầu tư, phát triển hệ thống giao thông. Các công trình hoàn thành có sự kết nối, gắn kết đến các trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh, tạo thành chuỗi kết nối tổng thể, liền mạch, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực, tạo nên một Ninh Thuận cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận cho biết: Trước yêu cầu phát triển của tỉnh, trong năm 2025, ngành giao thông vận tải sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp nhà đầu tư để vận hành khai thác Bến 1A có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bến 1B cảng tổng hợp Cà Ná; phối hợp Cục Hàng hải hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển làm cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm bến còn lại cảng tổng hợp Cà Ná, cảng cạn Cà Ná. Tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư hoàn thiện nút giao liên thông Thuận Nam, đường gom dân sinh và trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đầu tư nâng cấp, mở rộng 4,5km còn lại thuộc Quốc lộ 27. Phối hợp thực hiện các công việc liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên được coi là động lực đột phá phát triển hành lang các trục Đông - Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Tiếp tục triển khai và sớm đưa dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) dài 62km vào sử dụng. Đây là dự án có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về giao thông liên tỉnh, kết nối liên kết giữa 3 tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng yếu của các tỉnh trong vùng, góp phần nâng cao hiệu quả quỹ đất hai bên đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho 3 tỉnh.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:100223
Lượt truy cập: 177.734.761