
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Xuân Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỏ - Đại chất, đại diện các cơ quan, đơn vị: Cục Hàng không Việt Nam, Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam, Viện Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Công ty TNHH FPT IS. Về phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tham dự Hội nghị của ông Hoàng Mạnh Tấn – Thành viên Hội đồng thành viên, ông Lương Quốc Việt và ông Nguyễn Xuân Ảnh - Kiểm soát viên của chủ sở hữu và đại diện các cơ quan đơn vị của Tổng công ty.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Hoàng Minh nhấn mạnh rằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay đóng vai trò là động lực then chốt, yếu tố quyết định và nền tảng quan trọng cho sự phát triển của cả quốc gia lẫn doanh nghiệp. Ông cũng nhắc lại Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong đó xác định rõ 5 nhóm mục tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng việc đổi mới tư duy và phương thức hoạt động để thực hiện các chủ trương, xóa bỏ các rào cản và giải phóng tiềm năng, qua đó thúc đẩy đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Lê Hoàng Minh đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp xây dựng chiến lược dài hạn mang tính đột phá cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Cụ thể, cần nghiên cứu và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tháo gỡ rào cản, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của Tổng công ty. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu các xu hướng và định hướng tương lai như Digital Tower, ứng dụng mô hình AI để phân tích dữ liệu dự đoán xu hướng và tình hình lưu lượng không lưu, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ cho SWIM, đồng thời tăng cường hợp tác trong và ngoài nước với các viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan có năng lực nghiên cứu để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tổng công ty.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng kết công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tổng công ty giai đoạn 2017-2024, định hướng, giải pháp thực hiện trong các năm tiếp theo và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Hội nghị cũng tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động khoa học công nghệ của Tổng công ty bao gồm: việc quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học,công nghệ và Môi trường
(Bộ GTVT) phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho rằng trong giai đoạn tới Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đúng và trúng. Đối với các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ Khoa học và công nghệ về hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã có hướng dẫn đầy đủ và chi tiết, Tổng công ty cần nghiên cứu để triển khai theo đúng các quy định hiền hành.
Hội nghị cũng được nghe các tham luận của các cơ quan, đơn vị của Tổng công ty trình bày về các công nghệ và xu thế tương lai của ngành hàng không như nền tảng và lộ trình áp dụng SWIM, khai thác dựa trên quỹ đạo bay (TBO), mạng thông tin ATN mặt đất, nghiên cứu ứng dụng Big Data trong khí tượng hàng không; các tham luận của các đơn vị khách mời về ứng dụng AI trong quản lý bay, ứng dựng trí tuệ nhân tạo địa không gian (GeoAI) trong xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và địa vật, KPIs trong lĩnh vực kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay, ứng dụng Digital Twin trong kiểm soát không lưu tại Việt Nam của Học viện Hàng không Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo – My VATM của Công ty TNHH FPT IS.

Ông Hồ Sỹ Tùng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty kết luận tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Hồ Sỹ Tùng cho biết Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự và trao đổi, thảo luận sôi nổi của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tổng công ty. Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị của Tổng công ty cần tập trung tham mưu và xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tổng công ty mang tính đột phá và phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay, đặc biệt cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế theo hướng tháo gỡ và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Ông cũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, Viện nghiên cứu tiếp tục hợp tác chặt chẽ và đồng hành cùng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng quản lý và điều hành bay, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam.