Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 18/BDN ngày 14/01/2025, nội dung kiến nghị như sau:
“Sớm triển khai thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phấn đấu
cơ bản hoàn thành năm 2035. Ảnh minh họa: AI (Nguồn: Báo Giao thông)
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Quốc hội chủ thông qua trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 với mục tiêu Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đ ông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng. Dự án có quy mô đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ 350km/h; chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hình thức đầu tư công; tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.
Ngay sau khi Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai ngay công tác nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách đặc thù, đặc biệt tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 để có đủ cơ sở, hành lang pháp lý thực hiện Dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đây là dự án chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến và đồng thuận của cử tri trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.