Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký văn bản về việc chính thức thiết lập Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Việc thiết lập cơ quan này cũng để kịp thời triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 14/10/2010. Theo đó, Cơ quan kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm soát TTHC và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong phạm vi cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu việc thiết lập cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC và bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC phải trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thực hiện đề án 30 của các Bộ, ngành, địa phương và kế thừa cơ chế tài chính cho Đề án 30.
Biên chế tối thiểu của Cơ quan kiểm soát TTHC là 50 cán bộ thuộc biên chế của Văn phòng Chính phủ. Trong quá trình hoạt động, tùy theo yêu cầu công việc, Cơ quan kiểm soát TTHC được tăng cường cán bộ của các Bộ, ngành về làm việc theo chế độ biệt phái và chuyên gia tư vấn trong và ngoài khu vực nhà nước đến làm việc theo chế độ hợp đồng khoán việc.
Theo kế hoạch, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát TTHC trong tháng 8 tới.
Đơn vị kiểm soát TTHC cơ sở thuộc Văn phòng Bộ, Văn phòng UBND tỉnh
Cũng trong tháng 8/2010, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, đơn vị kiểm soát TTHC là tổ chức thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thành phố đó.
Biên chế tối thiểu của đơn vị kiểm soát TTHC là 5 cán bộ thuộc biên chế Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND cấp tỉnh. Riêng Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ biên chế tổi thiểu là 2 cán bộ. Trong quá trình hoạt động, đơn vị này cũng có thể được tăng cường cán bộ chuyên môn theo chế độ biệt phái, hoặc chuyên gia tư vấn.
Cơ quan kiểm soát TTHC bắt đầu làm việc từ 14/10/2010
Đây là chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chế độ làm việc của cơ quan quan trọng này. Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc bảo đảm điều kiện làm việc cho Cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 14/10/2010 - cũng là ngày bắt đầu thực thi Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC.
Tổ Công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thực hiện đề án 30 của các Bộ, ngành, địa phương tự chấm dứt hoạt động kể từ ngày Nghị định 63/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (14/10/2010). Nhiệm vụ còn lại của các đơn vị này để thực hiện Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ do Cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện.
Các cán bộ biệt phái do các Bộ, ngành cử đến làm việc tại Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng đến hết ngày 31/12/2010 sẽ tiếp tục làm việc tại Cơ quan kiểm soát TTHC cho đến hết thời hạn này.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC, bảo đảm cơ chế tài chính phục vụ có hiệu quả hoạt động kiểm soát TTHC. Thời hạn hoàn thành trước 1/9/2010.
CP