Yếu tố để cải cách thủ tục hành chính thành công

Thứ tư, 28/04/2010 07:45
Đánh giá về giai đoạn rà soát thủ tục hành chính của Đề án 30 (giai đoạn 2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ khẳng định nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rất tốt, rất quyết liệt, sáng tạo và đạt được kết quả đáng mừng.

Đánh giá về giai đoạn rà soát thủ tục hành chính của Đề án 30 (giai đoạn 2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ khẳng định nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rất tốt, rất quyết liệt, sáng tạo và đạt được kết quả đáng mừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cuộc trao đổi ngắn về vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, giai đoạn 2 của Đề án 30 đã kết thúc, ông có nhận xét gì về quá trình triển khai thực hiện rà soát thủ tục hành chính vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta đã kết thúc giai đoạn 1 năm 2009 rất thành công với việc lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ấn nút công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính ở bốn cấp chính quyền kể từ khi thành lập nước đến nay. Đó là thành công rất đáng trân trọng.

Đến nay, theo báo cáo, có 63/63 địa phương, 24/24 bộ, ngành đã soát xong giai đoạn 2 của Đề án 30 một cách cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Cụ thể, các bộ, ngành đã rà soát 5.565 thủ tục hành chính; trong đó, bãi bỏ 453 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 3.749 thủ tục, thay thế 288 thủ tục. Tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính trung bình của các bộ, ngành chiếm 81%, của các địa phương chiếm 66%.

Chúng ta đã thực hiện tốt chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 30% số lượng thủ tục hành chính đã công bố, thống kê, đi liền với đó là giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này rất tốt, rất quyết liệt, sáng tạo và đạt được kết quả đáng mừng, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh...

Sơ bộ thống kê, chúng ta đã giảm được ít nhất 30.000 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong một năm do giảm chi phí xã hội cho người dân và doanh nghiệp.

- Ông có cho rằng con số 81% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, 66% thủ tục hành chính của các địa phương có kiến nghị đơn giản hóa so với chỉ tiêu 30% Thủ tướng giao là một “thành tích” không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ về vấn đề này. Không phải con số 81% và 66% là các thủ tục đã được bãi bỏ hoàn toàn. Trong số này có những thủ tục không cần thiết, không hợp pháp phải hủy bỏ, bãi bỏ hoàn toàn, có thủ tục được sửa đổi, hoàn thiện, nhưng cũng có thủ tục được đổi quy trình, ví như đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đơn cử như thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bãi bỏ tới 719 thủ tục (trong đó có 219 thủ tục do chính địa phương ban hành), đạt con số gần 30%. Đó là một thực tế và chúng tôi cho rằng giai đoạn 2 chúng ta đạt được số liệu trên là một thành công ban đầu rất quan trọng của Đề án 30 trong phạm vi cả nước.

- Vấn đề thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính sau giai đoạn rà soát được đặt ra như thế nào, thưa ông? Cơ chế nào để kiểm soát việc thực thi này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng tôi đang tập trung đội ngũ 250 người bao gồm các chuyên gia giỏi của các bộ, ngành và trên 60 luật sư giỏi thuộc Hội Luật sư Việt Nam tham gia cùng Tổ công tác chuyên trách làm ngày đêm để kịp công bố giai đoạn 3 - giai đoạn hoàn thiện thủ tục hành chính.

Chúng ta có gần 200.000 phương án khác nhau để so sánh, chọn những thủ tục phù hợp với yêu cầu hiện nay trên tinh thần vừa là công cụ quản lý của Nhà nước, nhưng đồng thời đó là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Đây là khối lượng công việc rất lớn. Làm sao đơn giản hóa được, rút gọn được, thay đổi quy trình của các thủ tục mà không ảnh hưởng đến công tác quản lý, không tạo những biến động phức tạp trong xã hội, góp phần ổn định xã hội, xây dựng xã hội phát triển tốt hơn,thông thoáng hơn, công khai minh bạch hơn.

Chúng tôi sẽ công bố hoàn thiện giai đoạn 3 trong khoảng tháng 6 và lúc đó chúng ta sẽ triển khai thực thi phương án đã hoàn thiện.

Để không tiếp tục phát sinh những thủ tục rườm rà, không cần thiết, không hợp lý sau khi đã hoàn chỉnh Đề án 30, chúng tôi đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính.

Ngay từ bây giờ chúng tôi đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm hủy bỏ, bãi bỏ những thủ tục mà chính mình ban hành ra, không phải chờ ý kiến của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục công khai, minh bạch, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính của địa phương mình, của ngành mình trên cổng thông tin để người dân biết, thực hiện và giám sát.

Trên cơ sở rà soát tất cả các phương án, chúng tôi sẽ xem xét, hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị quyết về công bố các thủ tục đã hoàn thiện giai đoạn cuối cùng.

Chúng tôi cũng muốn nói rằng công tác truyền thông rất quan trọng - để người dân biết và thực hiện tốt. Thủ tục hành chính là một công cụ nhưng điều rất quan trọng là chúng ta đã xây dựng nó từ ý chủ quan của con người. Thủ tục hành chính là một quá trình động, có những thủ tục tiếp tục hoàn thiện, có thủ tục trong quá trình làm Đề án 30 chúng ta thống kê bỏ sót, chưa thấy hết những bất hợp lý.

Chính vì vậy, chúng tôi muốn tiếp tục lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp để làm sao chúng ta có thủ tục tốt nhất, có lợi cho người dân và doanh nghiệp nhiều nhất, đồng thời tạo điều kiện cho Nhà nước trong công tác quản lý.

- Từ nay cho đến khi kết thúc đề án, công việc còn khá bộn bề, ông có nghĩ rằng các mục tiêu của đề án sẽ đạt được kết quả khả quan?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Khối lượng công việc rất bộn bề, rất lớn, vì chúng ta phải có những phương án chéo, phương án so sánh để tìm ra phương án tối ưu. Điều này đòi hỏi thời gian, công sức lớn để triển khai.

Tuy vậy, với việc học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước cũng như qua thực tế triển khai ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng sẽ tổ chức thành công giai đoạn 3 bằng cách phải lắng nghe thêm ý kiến của các hội, doanh nghiệp, của các chuyên gia để làm sao ý tưởng đưa ra tương đối độc lập và phải lấy thêm ý kiến các cơ quan quản lý cho sát với thực tiễn.

Có nhiều cách làm trong giai đoạn 3 nhưng cách làm khoa học, có ý kiến tham gia của công chúng là rất quan trọng trong quá trình triển khai cụ thể.

Với cách làm đó, chúng tôi tin rằng Hội đồng Tư vấn và Tổ công tác chuyên trách sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của giai đoạn cuối cùng của chủ trương quan trọng này.

- Có bộ thủ tục mới, có một quy chuẩn chung thống nhất nhưng để vận dụng trơn tru, thực sự đem lại hiệu quả, theo ông, cần có thêm những yếu tố gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Nếu chúng ta có bộ thủ tục tốt nhưng không có cán bộ tốt, cán bộ không làm gương, không tận tụy, cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, tất nhiên việc thực thi sẽ không tốt. Cho nên, vấn đề giám sát của nhân dân, việc bố trí lại đội ngũ cán bộ, kiểm tra đôn đốc thực hiện, tiếp tục chủ trương “một cửa,” “một cửa liên thông”... ở các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Nhất là các khâu “nhạy cảm” liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng con người vẫn là yếu tố quyết định nhất. Chúng ta có bộ thủ tục tốt, đồng thời bố trí cán bộ tốt để thực thi là yếu tố quyết định thành công của cải cách thủ tục hành chính ở nước ta.

- Chúng ta đang xây dựng chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, theo ông, giai đoạn này, cải cách hành chính cần bắt đầu từ đâu, tập trung vào vấn đề gì, con người có phải là yếu tố quyết định?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Cải cách hành chính bao gồm rất nhiều nội dung như xây dựng thể chế, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cải cách tài chính công... Khâu nào của cải cách hành chính cũng rất quan trọng.

Tôi cho rằng vấn đề cán bộ vẫn là vấn đề quyết định đến thành công của cải cách. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta phải tiến hành đồng bộ những lĩnh vực khác thì công cuộc cải cách mới thành công.

Ví dụ, chúng ta không có một thể chế tốt, thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng rất khó làm. Nhưng thực ra thể chế cũng do chính con người làm ra, cho nên một đất nước pháp quyền không chỉ là chúng ta đã ban hành được bao nhiêu luật mà chính là người làm luật pháp như thế nào.

Nếu chọn rất nhiều khâu như vậy thì có lẽ chọn con người vẫn luôn luôn đúng và việc đó Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: