Những năm qua, thực trạng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có những bước phát triển khá nhanh, hệ thống đường giao thông được mở mới và mở rộng. Tuy nhiên, số lượng và lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, nhất là ở các địa bàn trọng điểm đã tạo nên áp lực giao thông trên địa bàn, đòi hỏi các giải pháp tổ chức giao thông cần được thực hiện đồng bộ.
Cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, thành phố Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống các tuyến chính kết nối các khu đô thị, các phường, đường liên khu vực và các tuyến đường nội bộ trong các khu đô thị, khu dân cư. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có hơn 20 trục đường và gần 100 nút giao thông chính. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố có những bước phát triển vượt bậc, nhất là vận tải khách bằng taxi và xe buýt. Trên địa bàn thành phố hiện đang có 8 doanh nghiệp và gần 800 xe taxi hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Cùng với đó là 8 tuyến xe buýt nội, ngoại tỉnh đang hoạt động đảm nhận khối lượng vận chuyển hành khách lớn, làm giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Vận tải hàng hóa trên địa bàn cũng phát triển sôi động, chủ yếu phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và vận chuyển hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Song, việc mở rộng địa giới hành chính cũng như thực hiện chiến lược đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 khiến cho mật độ dân số, nhất là số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tăng lên đáng kể. Hơn nữa, trên địa bàn có nhiều chợ đầu mối, trường học, bệnh viện cũng khiến lưu lượng phương tiện qua lại tại nhiều nút giao thông rất lớn. Trong khi nhiều nút giao thông chưa có đèn tín hiệu (trên địa bàn hiện mới có 16 nút giao thông được lắp đặt đèn tín hiệu), không có vạch sơn kẻ đường và gờ giảm tốc. Hệ thống điểm đỗ xe taxi, nhà chờ xe buýt chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu dừng đỗ dẫn đến việc nhiều phương tiện dừng, đỗ dưới lòng đường, rất dễ dẫn đến mất ATGT nhất là trong những giờ cao điểm.
Vì thế công tác tổ chức giao thông tại thành phố Bắc Ninh trong những năm tới đang trở nên cần thiết, nhất là việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, tín hiệu về an toàn giao thông, hệ thống điểm dừng đỗ cho các loại xe buýt, xe taxi, các bến, bãi đỗ xe công cộng. Hay như việc phân luồng, phân làn đối với các loại xe khi tham gia giao thông, khắc phục những bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông đối với một đô thị văn minh. Một tín hiệu vui đối với công tác tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố là UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án tổ chức giao thông tại thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, thành phố Bắc Ninh sẽ được hoàn chỉnh hệ thống các vạch sơn đường tại 24 tuyến phố; 61 vị trí các nút giao cắt giữa các tuyến phố cũng sẽ được hoàn thiện hệ thống các vạch sơn, biển báo hiệu; sẽ có thêm 16 cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tự động và đèn cảnh báo giao thông tại các nút giao đồng mức. Đặc biệt là việc lắp đặt thí điểm camera giám sát giao thông tại ngã tư Lý Thái Tổ-Lê Văn Thịnh, ngã tư đường Ngô Gia Tự (ĐT295B) với đường Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, hệ thống các điểm dừng xe buýt, các điểm đỗ xe taxi cũng sẽ được bổ sung, điều chỉnh và kẻ vạch sơn giới hạn, bổ sung các biển báo… Trên các trục phố chính sẽ tổ chức phân làn cho các phương tiện tham gia giao thông riêng biệt bằng hệ thống vạch sơn trên đường kết hợp với biển chỉ dẫn, nhất là đối với các xe tải 3,5 tấn.
Lợi ích của việc tăng cường các giải pháp tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Bắc Ninh đã rõ, việc sớm triển khai đồng bộ các giải pháp này chắc chắn sẽ khắc phục những bất cập về hạ tầng đáp ứng yêu cầu của đô thị trung tâm thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguồn: Báo Bắc Ninh