Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 4 cảng biển là Vạn Gia, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hạ Long đang khai thác. Với 21 cầu cảng, có tổng chiều dài 3.451m, trong đó 14 cầu chuyên dụng cho: Than, xi măng, xăng dầu, khách, đóng tàu còn lại 7 cầu bốc dỡ hàng hoá tổng hợp. Khu vực cảng biển Cẩm Phả đón tàu đến 7 vạn tấn, khu vực Hạ Long đón tàu 5 vạn tấn.
Năm 2012 hàng hoá, hành khách thông qua các cảng biển Quảng Ninh đứng trong TOP 3 cả nước. Cụ thể đã có 7.469 lượt tàu biển ra vào cảng; hàng hoá các loại thông qua gần 50 triệu tấn; tổng kim ngạch XNK qua các cảng biển 5,9 tỷ USD; thu ngân sách qua hoạt động dịch vụ cảng biển 15.772 tỷ đồng… Dù đứng TOP 3 cả nước, nhưng so với cùng kỳ năm 2011 thì lượt tàu vào làm hàng chỉ bằng 85% (năm 2011 là 8.809 lượt tàu), lượng hàng hoá thông qua cũng chỉ bằng 97,4% so cùng kỳ năm 2011. Việc sụt giảm này bên cạnh do suy thoái kinh tế, thì nguyên nhân quan trọng là do hạ tầng không đều, nhất là dịch vụ hàng hải trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại cần phải nâng cao chất lượng.
Đối với hạ tầng cảng biển, thì trong các cảng biển đang hoạt động, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đều, Vạn Gia chưa có cầu tàu và hệ thống kho bãi. Ngay như cảng Cái Lân (Hạ Long), 3 bến 2, 3 và 4 của cảng hiện đang được Công ty TNHH Công ten nơ Quốc tế Cái Lân đầu tư khai thác với hệ thống thiết bị đồng bộ hiện đại nhưng cũng gặp không ít khó khăn như luồng cảng theo thiết kế -10m, tuy nhiên do không được nạo vét duy tu hàng năm nên tuyến luồng hiện tại chỉ còn độ sâu -8m; hệ thống đường sắt đường bộ không đồng bộ, đường bộ đang bị quá tải và xuống cấp dẫn đến tăng chi phí về vận tải vì thế không hấp dẫn khách hàng đến cảng... Còn lại cảng biển ở Hải Hà đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư; Mũi Chùa thì chỉ có 1 cầu cho tàu 1000 DWT; Quảng Yên mới hình thành cầu của nhà máy đóng tàu.
Hoạt động dịch vụ hàng hải trên địa bàn hiện có 39 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với các loại hình kinh doanh như: Xếp dỡ, vận tải, lưu kho bãi, giao nhận hàng hoá; lai dắt hỗ trợ tàu biển ra vào cảng; dịch vụ vệ sinh môi trường; địa lý và môi giới tàu biển; hoa tiêu hàng hải... Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hàng hải có quy mô nhỏ, trừ một số doanh nghiệp nhà nước như: Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh, Đại lý Hàng hải Quảng Ninh (VOSA Quảng Ninh), Công ty CP Đại lý Hàng hải Vinacomin (VINOSA), Công ty CP Cung ứng tàu biển Quảng Ninh. Số còn lại là các Công ty TNHH, chi nhánh đại diện công ty có trụ sở chính tại Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có quy mô nhỏ, lao động ít, chất lượng lao động thấp, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chưa cao. Năng suất xếp dỡ, chất lượng dịch vụ, tính cạnh tranh thấp; một số loại hình dịch vụ không có như: sửa chữa, cung ứng vật tư thiết bị chuyên dùng cho tàu thuyền, phương tiện, thiết bị xếp dỡ... Ví dụ rất thực tế đó là, Cảng Cái Lân mặc dù đã đi vào hoạt động đến nay là 7 năm nhưng các cơ quan chức năng phục vụ cho công tác quản lý chuyên ngành như: kiểm dịch thực vật, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm vẫn chưa có trụ sở tại Quảng Ninh. Doanh nghiệp làm thủ tục XNK tại Cái Lân nhưng phải sang Hải Phòng, Hà Nội hoàn thiện các thủ tục đăng kiểm, kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; hay như hãng tàu MSC có đại diện tại cảng Cái Lân nhưng các loại hoá đơn như tiền đặt cọc vỏ container, vệ sinh và thanh toán các khoản phí khác phải về Hải Phòng làm thủ tục thanh toán.
Dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển Quảng Ninh không những không phát triển mà ngày một thu hẹp, một số chủ tàu phải bán tàu chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp vận tải container ít, phương tiện vận tải hàng hoá thiếu nên khả năng cạnh tranh về chi phí vận tải và sự tiện lợi rất thấp. Giá dịch vụ của một số ngành cũng tương đối cao, so với một số cảng trong nước cũng như trong khu vực, nhất là những biểu hiện cạnh tranh bằng cách hạ giá cắt xén dịch vụ, chưa có sự phối hợp cùng tồn tại, phát triển.
Để kinh tế cảng biển nói chung, dịch vụ hàng hải nói riêng phát triển, trong thời gian tới các cấp, các ngành chức năng sớm có cơ chế cũng như phối hợp với các doanh nghiệp nâng cao chất lượng khai thác các cảng biển, mở rộng các loại hình dịch vụ tại cảng biển; có cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng nhất là thủ tục hành chính để các doanh nghiệp phát triển.
Nguồn: Báo Quảng Ninh