Hải Dương: Bê-tông hóa đường GTNT tại Tứ Kỳ

Thứ tư, 27/03/2013 06:34
Từ năm 2008 đến nay, nhân dân các địa phương trong huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã đóng góp trên 14 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm 82 km đường ra đồng...

Từ năm 2008 đến nay, nhân dân các địa phương trong huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã đóng góp trên 14 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm 82 km đường ra đồng...

Từ năm 2012 đến nay, nhân dân các xóm ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã tự đóng góp kinh phí, đổ bê-tông 6 km đường ra đồng. Trong ảnh: Đường ra đồng của xóm Thái Học rộng tới 3 m

Đưa chúng tôi đi trên con đường trải bê-tông phẳng lỳ, rộng rãi ra thăm khu đồng trồng rau màu của xóm Thái Học, ông Nguyễn Văn Duyệt, Phó Trưởng thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo cho biết: “Ô Mễ là một trong những thôn chuyên canh cây rau màu lớn nhất huyện Tứ Kỳ, với diện tích lên tới 155 ha. Để sản xuất có hiệu quả, một trong những vấn đề được người dân rất quan tâm là việc làm đường ra đồng”. Năm 2010, xã Hưng Đạo được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Thực hiện sự chỉ đạo của xã, Chi bộ thôn Ô Mễ đã tổ chức họp, xây dựng nghị quyết chuyên đề làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM; tuyên truyền xuống từng tổ đảng, các ban ngành, chi hội, đoàn thể để vận động nhân dân tham gia. Các xóm trong thôn hưởng ứng tích cực, nhân dân tự bàn bạc, xây dựng kế hoạch làm đường, bầu ra ban kiến thiết, thống nhất mức đóng góp. Chỉ tính riêng việc làm đường ra đồng, từ năm 2012 đến nay, 4 trong tổng số 7 xóm ở thôn Ô Mễ đã bê-tông hóa được 6 km đường trục chính, các tuyến đường rộng bình quân 3 m, dày 20 cm. Kinh phí làm đường được tính theo diện tích ruộng của mỗi hộ gia đình, mức đóng góp bình quân 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/sào. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng chục m2 đất ruộng để mở rộng mặt đường.

Mặc dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng từ lâu việc phát triển giao thông nông thôn luôn được cán bộ và nhân dân thôn Quàn, xã Minh Đức ưu tiên. Sau khi hoàn thành làm đường bê-tông trong làng, năm 2010, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết chuyên đề “Xây dựng đường ra đồng theo tiêu chí NTM”, tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, thôn đã huy động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng để mở rộng, trải gạch vỡ, làm nền cho 15 tuyến đường ra đồng với tổng chiều dài gần 5,8 km. Các hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến trên 2.000 m2 đất ruộng để mở rộng các tuyến đường từ 1,5 m lên thành 3-3,5m. Trong quá trình làm đường, thôn kết hợp xây dựng mương nhỏ rộng chừng 40 cm để dẫn nước tới ruộng, nhân dân không phải tốn công bơm tát. Bà Vũ Thị Tấn ở xóm 2 cho biết: "Từ ngày các tuyến đường được mở rộng, tuy chưa được trải bê-tông hết nhưng việc đi lại của nhân dân chúng tôi đã dễ dàng hơn nhiều. Bà con cũng không phải mất công bơm, tát nước vì đã có hệ thống mương nhỏ dẫn nước tới tận ruộng".

Toàn huyện Tứ Kỳ có 337,6 km đường ra đồng. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân các địa phương trong huyện đã đóng góp trên 14 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm 82 km đường ra đồng, trong đó có 44 km đường trải bê-tông, 1 km trải đá và 37 km trải xỉ, gạch vỡ. Ông Phạm Văn Minh, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng đường giao thông nông thôn nói chung, giao thông nội đồng nói riêng. Trong quá trình xây dựng, các địa phương đều cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn, tính toán về lượng cát, đá, xi-măng, kinh phí hoặc xi-măng hỗ trợ của UBND tỉnh (đối với các tuyến đạt tiêu chuẩn). Sau đó từng xóm, thôn cân đối nguồn kinh phí và tính ra mức đóng góp cho mỗi khẩu để làm đường. Do hầu hết các tuyến đường trục ra đồng đều được xây dựng bằng tiền của nhân dân đóng góp, nhân dân tự tổ chức thi công và giám sát, chất lượng công trình vì vậy đều được bảo đảm, không bị thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trong huyện, tỷ lệ các tuyến đường trục ra đường được cứng hóa còn rất thấp, nhiều tuyến đã và đang xuống cấp, gây khó khăn trong việc đi lại và sản xuất của nhân dân. Một số nơi dù đã vận động nhân dân hiến đất ruộng, đào đắp mặt đường ra đồng bảo đảm rộng theo tiêu chí NTM nhưng lại thiếu kinh phí để cứng hóa (Phượng Kỳ, Minh Đức...). Mặt khác, kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp kinh phí làm đường cũng còn hạn chế.

Nguồn: Báo Hải Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:156403
Lượt truy cập: 176.778.218