Đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang đã đảm bảo nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa thông suốt cho người dân, góp phần sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Thành quả này không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian nhất định. Theo ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, những năm qua, trên cơ sở ưu tiên nguồn vốn từ huyện, tỉnh, cùng với sự nhiệt tình tham gia đóng góp của nhân dân chủ yếu là về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc mà xã đã tiến hành đầu tư nâng cấp, mở rộng đường trên địa bàn ngày càng thông suốt. Nhất là được thụ hưởng nền tảng giao thông khá hoàn chỉnh từ quá trình xây dựng nông thôn mới theo 13 tiêu chí trước đây. Chưa kể là Vị Thanh có lợi thế về điều kiện giao thông thủy lẫn bộ. Ngoài kênh xáng Xà No chảy qua thì tuyến Đường tỉnh 931B và đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đi ngang địa bàn các ấp 1, 3 và 5. Đáng kể là trong quá trình đầu tư xây dựng, địa phương không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng mà còn chú trọng đến tính hiệu quả sử dụng lâu dài của công trình. Bởi mạng lưới cầu, đường nông thôn ngày nay được nâng cấp cao trình, mở rộng mặt đường từ 2m lên 2,5-3,5m nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Do được đầu tư, xây dựng cách đây nhiều năm nên tuyến lộ nông thôn cặp kênh Ba Thước vốn đã chật hẹp, lại thêm xuống cấp nặng nề, gây trở ngại không nhỏ trong vấn đề đi lại của người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Vì thế, trong Chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô năm nay, xã đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của huyện, tỉnh để tiến hành nâng cấp cao trình, mở rộng mặt đường rộng 3,5m, với chiều dài khoảng 2,5km thuộc địa bàn ấp 7A2 và 7B2. Cùng với đó là vận động người dân đắp lề, kè mé chống sạt lở, giúp con đường sử dụng dài lâu. Bà Huỳnh Thị Hân, ở ấp 7A2 cho biết, trước đây con đường bê tông mặt rộng chừng 2m đã bị bể gần hết. Do đó, khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây rất đồng tình hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để cùng Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng con đường. “Tuy mặt đường trước nhà mới được đổ xong phần đá, nhưng nghe đâu sẽ được tiếp tục thảm nhựa hoàn thiện nên tui cảm thấy vui mừng lắm” - bà Hân tâm sự.
Theo thống kê của UBND xã Vị Thanh, toàn xã có 52km đường giao thông, trong đó có trên 36km đường được đánh giá bước đầu đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện xã đang trình ngành chức năng huyện, tỉnh xem xét công nhận đạt tiêu chí giao thông xã nông thôn mới trong năm nay.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thanh cho rằng, không đơn giản là giải quyết việc đi lại trong 2 mùa mưa nắng mà phải đảm bảo vận chuyển và giao thương hàng hóa của người dân. Cho nên, bên cạnh giải pháp nâng cấp, mở rộng thì hệ thống giao thông nông thôn phía bờ Nam kênh xáng Xà No đều được kết nối với các tuyến đường trọng điểm gồm Đường tỉnh 931B, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ nằm trên địa bàn. Qua đó, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt từ ấp đến xã, từ xã đến huyện, thậm chí là tỉnh. Nhờ vậy, đã thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ của địa phương phát triển, khẳng định bước tiến về giao thông của xã nông thôn mới mà địa phương đang triển khai thực hiện.
Gần 40 năm định cư và sinh sống cặp tuyến kênh 14.000, lúc này ông Huỳnh Văn Tần, ở ấp 1 mới thực sự cảm thấy quê hương mình đổi thay rõ rệt. Vì tuyến đường bê tông nông thôn, mặt rộng 2m trước nhà chật hẹp, hư hỏng ngày nào, giờ đây được nâng cấp, mở rộng, mặt thảm nhựa hoàn chỉnh rộng 3,5m. Quan trọng là con đường có thể đi về trung tâm xã, kể cả trung tâm huyện, tỉnh trước khi kết nối lưu thông qua địa bàn xã Vĩnh Trung, Đường tỉnh 931B, hay đường nối Vị Thanh - Cần Thơ. Ông Tần bộc bạch: “Điều dễ cảm nhận nhất khi về xã Vị Thanh lúc này là diện mạo nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên từng ngày, khi mà dân cư sinh sống đến đâu thì đường sá mọc lên đến đó”.
Nguồn: Báo Hậu Giang