Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GTNT) năm 2013 đang được nhiều địa phương đẩy mạnh tiến độ thực hiện, gấp rút hoàn thành trong tháng 7 năm nay.
Trước năm 2000, phát triển GTNT qua việc kiên cố hóa mặt đường bằng bê tông xi măng manh nha tại một vài khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế chính sách phát triển GTNT như: Quyết định 19 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT (hay còn gọi là Cơ chế 19), Nghị quyết số 143 của HĐND tỉnh về phát triển GTNT (giai đoạn 2010 - 2015), Quyết định số 29 về Quy chế tài chính và Quản lý xây dựng đường GTNT (còn gọi là Cơ chế 29). Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng “thay da đổi thịt”, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, kết quả đó là nhờ Quảng Nam đã phát huy những ưu điểm và kinh nghiệm của giai đoạn trước, cộng với công tác chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cơ chế, chính sách rõ ràng, quản lý tốt về quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm theo đề án được phê duyệt, các văn bản hướng dẫn thực hiện của ngành liên quan ban hành đầy đủ. Nhân dân tiếp tục ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ, nắm bắt quy trình khá đầy đủ. Một số địa phương vùng đồng bằng có điều kiện thuận lợi, người dân sẵn sàng đóng góp vượt mức từ 2 - 3 lần so với tỷ lệ yêu cầu…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Sở GTVT cần tổ chức giao ban và đôn đốc các địa phương hoàn thành chương trình bê tông hóa GTNT năm 2013 trên địa bàn theo kế hoạch vốn hỗ trợ đã được UBND tỉnh phân bổ. Rà soát, tổng hợp khối lượng bê tông hóa GTNT thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2013, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh khối lượng cần thực hiện giai đoạn 2014 - 2015 để hoàn thành chương trình phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015 theo Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015 mà Kỳ họp thứ 22 ngày 9.7.2009, HĐND tỉnh khóa VII thông qua và Cơ chế 29 UBND tỉnh ban hành sau đó đã tác động mạnh mẽ đến hạ tầng giao thông của Thăng Bình. Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết, chương trình bê tông hóa GTNT được triển khai với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện” đã tạo ra một hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông mới trong bức tranh nông thôn tại làng - xã. Hàng trăm ki lô mét đường được cứng hóa giúp cải thiện tình trạng nắng bụi mưa lầy ở nhiều khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, các địa phương thực hiện đề án Phát triển GTNT theo từng năm đều đảm bảo tiến độ, hoàn thành trước tháng 8. Giám đốc Sở GTVT - ông Trương Văn Cận cho biết thêm, khâu nghiệm thu, thanh quyết toán được dứt điểm trong năm, không có hiện tượng phát sinh nợ hay những tồn tại về hồ sơ thủ tục. Bê tông hóa GTNT được đầu tư và giám sát, quản lý chặt chẽ bởi các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Nhân dân ý thức tốt hơn nên hạn chế hiện tượng cắt xén vật tư, nguyên liệu, nhờ vậy chất lượng công trình đảm bảo. Công tác quản lý sau đầu tư bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Các tuyến đường hoàn thành được cắm mốc lộ giới, biển báo tải trọng và bàn giao cho chính quyền cấp xã, nhân dân trong khu vực quản lý, bảo trì.
Phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng, tổ chức thi công đến khâu quản lý, bảo trì trong quá trình sử dụng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý, sử dụng”, chương trình bê tông hóa GTNT năm 2013 đã có chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã bê tông hóa được khoảng 63%, trong tổng số 217km theo kế hoạch; riêng 2 huyện Quế Sơn và Tiên Phước hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Quế Sơn, toàn huyện bê tông hóa được 20km mặt đường GTNT, phần lớn có bề rộng 3m với tổng kinh phí hơn 15,2 tỷ đồng. Ở một số xã, nguồn nguyên vật liệu như cát, sạn được nhân dân khai thác tại chỗ sau khi UBND tỉnh cho phép nên giảm chi phí đầu tư đáng kể. Tại Thăng Bình, ông Phạm Phú Hòe - Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho hay, người dân ra quân xây dựng đường GTNT ở các địa phương diễn ra với khí thế sôi nổi. Vì vậy, huyện đã triển khai gần đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Thăng Bình tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết toán phần thi công công trình thuộc giai đoạn 1 xong trước ngày 30.6, giai đoạn 2 phấn đấu hoàn thành quyết toán trong tháng 7 năm nay.
Điện Bàn, Đại Lộc là 2 trong số những huyện triển khai kế hoạch bê tông hóa GTNT năm 2013 đạt khối lượng tương đối lớn. Điều này thể hiện rõ việc điều hành, quản lý, hỗ trợ kinh phí cho phát triển GTNT tại địa phương luôn minh bạch, có tiêu chí cụ thể; sơ kết, giao ban để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời nhằm phát huy nhân tố tích cực, khắc phục tồn tại, yếu kém phát sinh qua thực tiễn. “Một nhân tố rất quan trọng là nhân dân tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ phong trào. Đề án phát triển GTNT xây dựng với cơ chế, mục tiêu cụ thể nên việc bố trí ngân sách các cấp và huy động nhân dân đóng góp được chủ động. Chúng tôi đôn đốc các địa phương tổ chức thi công nước rút, phấn đấu hoàn thành 17,9km với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng vào đầu tháng 7 này” - ông Đặng Hiệp Lực - Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Điện Bàn nói. Còn theo ông Lê Tấn Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn làm xong giai đoạn 1 trước ngày 30.4 với 16,5km. Sau đó, tỉnh bổ sung giai đoạn 2 thêm 4,3km, địa phương triển khai thi công được 2km, còn 2,3km phân bổ cho xã miền núi Đại Sơn trong tháng 6 cũng sẽ hoàn thành. Năm nay, Đại Lộc phấn đấu phủ kín hệ thống điện chiếu sáng và đường GTNT tại khu 2 (gồm các thôn Tam Hiệp, Đồng Chàm, Đồi Gò) của xã Đại Sơn.
Nguồn: Báo Quảng Nam