Thực hiện Đề án "Tăng cường công tác đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa", do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt, từ tháng 5/2012 đến nay, Sở GTVT TP Cần Thơ đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và cơ quan báo, đài địa phương xây dựng chương trình cải cách hành chính với chủ đề "Tăng cường công tác đăng ký, đào tạo thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ) và công tác xử lý vi phạm trong giao thông đường thủy nội địa" (ĐTNĐ), nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân hiểu tầm quan trọng của việc đăng ký, đăng kiểm (ĐKĐK) và mức độ xử phạt trong giao thông ĐTNĐ.
Căn cứ chương trình công tác năm 2013 của UBND TP Cần Thơ, Sở GTVT thành phố đã dự thảo quyết định "Quy định điều kiện an toàn của PTTNĐ thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người". Theo quy định: phân cấp cho UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm khảo sát, thống kê, xác nhận vào bản kê khai phương tiện và tổng hợp, báo cáo UBND quận, huyện và Sở GTVT hàng quý, hàng năm. UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông ĐTNĐ; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuần tra, xử lý hành vi vi phạm đối với người và phương tiện tham gia giao thông ĐTNĐ theo quy định của pháp luật... Dự kiến, Dự thảo này sẽ trình HĐND và UBND thành phố để thông qua trong quý II-2013.
Ngoài ra, Sở GTVT TP Cần Thơ đang thực hiện và trình UBND thành phố chỉ đạo, xin kinh phí thực hiện Đề án "Tổng điều tra PTTNĐ và người lái PTTNĐ trên địa bàn TP Cần Thơ". Dự kiến, trong quý I-2014 đề án sẽ được triển khai thực hiện, kết hợp với Tổ đăng ký PTTNĐ lưu động thực hiện công tác đăng ký PTTNĐ cho người dân. Sở GTVT thành phố tổ chức phối hợp với các ngành chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các trường, cơ sở đào tạo việc thực hiện quy định về quản lý đào tạo; chương trình đào tạo bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (CCCM) phương tiện thủy nội địa; phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT), như: chất lượng phương tiện không đảm bảo, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông thủy không có bằng cấp, CCCM hoặc có nhưng không phù hợp. Từ năm 2008 đến tháng 12-2012, TP Cần Thơ có 2.189 người có bằng thuyền trưởng các hạng; 441 bằng máy trưởng (M3).
Tuy nhiên, do đặc thù công việc thường xuyên phải hoạt động trên sông nước, trình độ văn hóa thấp, địa điểm học xa, khó khăn về kinh tế nên người lái phương tiện không thể tham gia học hoặc thi để cấp bằng, CCCM người lái PTTNĐ. Quy định điều kiện thành lập cơ sở giảng dạy, đào tạo người lái phương tiện thủy được xem là khá khắt khe nên các cơ sở đào tạo, địa phương không mặn mà; mức xử phạt đối với phương tiện không đăng ký (đối với phương tiện thuộc diện đăng ký) còn thấp. Mặt khác, do không có điểu kiện tạm giữ phương tiện nên đối tượng vi phạm lại có cơ hội tái diễn và các chế tài nghiêm khắc, tạo tâm lý sẵn sàng vi phạm đối với người tham gia giao thông.
Ông Lê Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, kiến nghị Chính phủ bố trí và chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thực hiện tổng điều tra PTTNĐ và số lượng thuyền viên, người lái PTTNĐ trên địa bàn. Chính phủ hoặc địa phương mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí; có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề này. Bộ GTVT ban hành chương trình đào tạo chung để thông nhất, dễ quản lý. Đổi mới phương pháp thi để phù hợp với đối tượng (đa phần là trình độ văn hóa thấp hoặc mù chữ).
Nguồn: Báo Cần Thơ