Hàng năm, vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô khách tăng cao. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã tăng cường phương tiện, tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế công tác vận tải hành khách bằng xe ô tô trong dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây còn nhiều vấn đề cần quan tâm chấn chỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa, tính đến ngày 30/10/2013, Sở đã cấp 135 giấy chứng nhận kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hiện trên địa bàn tỉnh có 60 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khách cố định, tổng số 650 đầu xe; 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt với 214 xe; 11 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi với 1.396 xe; 2 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe du lịch. Ngoài ra, còn có hàng trăm xe của các đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố hoạt động đón, trả khách trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách tuyến cố định đều có phương án kinh doanh, thực hiện đăng ký chất lượng với các cơ quan quản lý tuyến. Các phương tiện tham gia khai thác đều được cấp phù hiệu, sổ nhật trình và thực hiện kế hoạch, tần suất, biểu đồ khai thác trên tuyến bảo đảm quy định. Chất lượng vận tải từng bước được cải thiện; các phương tiện cũ, lạc hậu được thay thế, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư mua xe chất lượng cao, xe giường nằm. Đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa thường xuyên tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử, nghiệp vụ vận tải và những quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Sở GTVT thường xuyên rà soát, sắp xếp tuyến cố định và quản lý tuyến. Thông qua việc chấp thuận lại cho các doanh nghiệp theo giấy phép kinh doanh, sở tiến hành rà soát đầu xe tham gia tại các tuyến, giờ chạy xe, lộ trình hoạt động, tổ chức hợp lý hoạt động của các xe trong tuyến nhằm hạn chế việc chồng chéo gây cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, thực hiện kiểm tra bến xe ô tô khách để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy đinh, quản lý biểu đồ xe chạy tại các bến; chỉ đạo và đôn đốc việc thành lập, tổ chức hoạt động của bộ phận ATGT ở các doanh nghiệp. Chỉ đạo các doanh nghiệp đăng ký và niêm yết chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi. Thực hiện chương trình phối hợp, lực lượng công an và thanh tra giao thông đã tăng cường lực lượng, phương tiện, nhất là địa bàn trọng điểm, tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm của xe ô tô vận tải hành khách. Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra việc chấp hành về vận tải hành khách. Đồng thời, tập trung xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các lỗi chạy sai lịch trình, dừng đón trả khách không đúng quy định; bảo đảm giao thông tại các đầu mối giao thông phức tạp dễ xảy ra ách tắc, mất ATGT. Chấn chỉnh, nâng cao thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ. Lực lượng công an, thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của xe ô tô khách ngay tại bến xe, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ô tô không bảo đảm quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện.
Thực tế công tác vận tải hành khách trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán những năm gần đây cho thấy tuy các ngành có liên quan, các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhưng nhiều lái xe ô tô khách vẫn vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Những vi phạm này có chiều hướng tăng trong những ngày nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô khách tăng cao. Lái xe dừng đón, trả khách tùy tiện, không đúng nơi quy định trên nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường qua khu vực đông dân cư. Lái xe điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, rượt đuổi nhau trên đường để tranh giành khách. Tại một số địa phương, chủ xe không đưa xe vào bến xe mà tổ chức gom khách tại nhà hoặc tại một điểm quy định trước, sau đó cho người đến bến xe đã đăng ký trước để đóng dấu vào sổ nhật trình. Ở các huyện là vậy, còn tại TP Thanh Hóa tuy xe khách có vào bến xe nhưng một số nhà xe không đưa vé cho bến bán phục vụ hành khách, mà khách tự lên xe và khi xe ra khỏi bến, lái phụ xe đã bắt thêm khách và thu tiền vé của khách cao hơn quy định. Có nhiều trường hợp nhà xe thu tiền vé cao hơn quy định từ 200% đến 250%. Tình trạng xe khách chở quá số người quy định, thậm chí nhồi nhét khách liên tục xảy ra và chưa có dấu hiệu giảm trong những năm gần đây...
Để tạo thuận lợi cho nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô khách, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 sắp tới, các ngành có liên quan, nhất là ngành GTVT và Công an tỉnh, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm xe khách vi phạm các quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô và vi phạm trật tự ATGT. Các doanh nghiệp tổ chức cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ ký cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô./.
Nguồn: Báo Thanh Hóa