Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ diễn biến khá phức tạp với số vụ, số người chết gia tăng. TNGT lâu nay đã trở thành nỗi đau ám ảnh không chỉ của nhiều gia đình mà còn là của toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn phần lớn đều liên quan đến trình độ và ý thức của lái xe. Chính bởi vậy việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu TNGT.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 16 cơ sở đào tạo và hai trung tâm sát hạch lái xe. Nhiều trung tâm đào tạo được thành lập đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của người học. Người dân có thể lựa chọn cơ sở đào tạo có uy tín, phù hợp với điều kiện về thời gian, công việc để theo học. Nhưng việc có nhiều trung tâm, cơ sở tham gia đào tạo lái xe cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề chất lượng. Bởi vẫn còn nhiều kẽ hở trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe thời gian vừa qua,vẫn còn những bất cập trong dạy lý thuyết, trang bị kỹ năng cho học viên. Thay vì dành thời gian để giúp người học hiểu và nắm sâu về Luật Giao thông đường bộ thì giáo viên lại chú trọng “học mẹo”, tức là chỉ cho học viên những quy luật để “nhắm mắt” cũng có thể làm bài trắc nghiệm. Do tâm lý của học viên ai cũng muốn thi đạt kết quả, còn trung tâm đào tạo lái xe cũng được tiếng có tỷ lệ đỗ cao, có như vậy mới thu hút được người học. Việc học và thi sát hạch hiện nay tương ứng với việc đào tạo nghề sơ cấp, với thời gian đào tạo 3 tháng 15 ngày, nếu kỳ thi sát hạch được tổ chức nghiêm túc thì có học, có ôn luyện thực sự thì người học mới có thể vượt qua.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung phần lý thuyết là đạo đức người lái xe thường bị các trung tâm, đơn vị đào tạo xem nhẹ. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Bùi Quang Toại - Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Đoan Hùng cho biết: “Hiện nay, số vụ tai nạn giao thông, vi phạm giao thông chủ yếu có nguyên nhân từ ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều người khi bị xử lý vẫn chưa biết mình vi phạm lỗi gì. Như vậy có thể thấy người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa thực sự nắm đầy đủ các nội dung quy định của Luật, mặc dù đã được cấp giấy phép lái xe (GPLX)”. Đành rằng, việc lái xe giỏi hay không, không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở đào tạo, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như cách ứng xử, thái độ và ý thức của từng người trước mỗi tình huống xảy ra. Nhưng nếu không thực sự nghiêm túc trong đào tạo và sát hạch GPLX thì sẽ hình thành ý thức chủ quan trong những người điều khiển phương tiện giao thông, xem GPLX như một loại giấy thông hành mà không chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành luật, kỹ năng lái xe. Vì vậy, việc cải tiến, giảm thiểu tối đa yếu tố chủ quan của con người trong sát hạch để tăng tính chính xác, minh bạch là cần thiết.
Ông Hà Minh Phương - Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Phú Thọ cho biết: “Theo quy định của Tổng cục Đường bộ, từ ngày 1/7/2013, các trung tâm sát hạch phải áp dụng nội dung thi mới. Việc thi lái xe theo chương trình mới được xem là khó hơn những kỳ thi trước vì bộ đề thi mới, thời gian thi rút ngắn và bài thi trên sa hình bị thu hẹp. Trên xe sát hạch có lắp máy ảnh kết nối với trung tâm điều hành chụp ảnh ngẫu nhiên 3 lần nhằm giảm trường hợp "gian lận". Theo quy định này, bộ câu hỏi sát hạch lái xe cơ giới đường bộ mới gồm 450 câu thay cho bộ câu hỏi cũ có 405 câu như trước đây, số lượng câu hỏi thi sát hạch bằng A1 tăng từ 120 câu lên 150 câu. Một điểm mới so với trước đây là mỗi câu hỏi lý thuyết trong đề thi có từ 1 đến 2 ý đúng, thí sinh phải trả lời đầy đủ tất cả các ý mới được coi là đúng, trả lời đúng chỉ 1 trong 2 ý là không đạt yêu cầu (khác với đề thi cũ, người thi chỉ chọn 1 ý đúng trong đáp án là đạt yêu cầu). Trong bộ đề thi, các câu hỏi về văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người lái xe là nội dung mới, nhằm giáo dục người lái xe đề cao văn hoá giao thông và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt nếu hết giờ, thí sinh chưa nộp bài thi ngay sẽ bị trượt”. Trong khi đó phần thi thực hành trên sa hình bị thu hẹp lại cả về không gian và thời gian. Cụ thể, trong 10 bài thi trên sa hình thời gian hoàn thành sẽ rút ngắn từ 20 phút xuống còn 15 phút. Ngoài ra, trong phần thi thực hành lùi xe vào nơi đỗ đối với lái xe hạng B2 khó hơn trước do chiều rộng và dài của khoảng giới hạn bị thu hẹp từ 1,5m xuống còn 1,3m. Chị Nguyễn Thị Thu, TP Việt Trì cho biết: “Với những thay đổi trong thi sát hạch lái xe như hiện nay khiến học viên như chúng tôi cũng có nhiều lo lắng. Không chỉ phần lý thuyết mà phần thực hành cũng “siết chặt” hơn rất nhiều, nên bên cạnh ý thức của người học thì các trung tâm đào tạo cũng cần có thay đổi, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học theo các nội dung mới, giúp học viên chuẩn bị tốt nhất về lý thuyết cũng như thực hành”.
Để triển khai sát hạch theo bộ đề mới, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trên địa bàn tỉnh đã chủ động chỉnh sửa sân bãi và các điều kiện theo quy định của Tổng cục Đường bộ. Hiện Sở GTVT Phú Thọ đang triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe cử 130 giáo viên đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức. Đồng thời bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, sát hạch theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 26 cán bộ được cử đi tập huấn sát hạch lái xe theo quy trình mới. Bên cạnh đó, Sở cũng quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và vận động người thân chấp hành tốt các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không được nhờ sát hạch viên trợ giúp trong quá trình thi sát hạch.
Bà Phạm Thị Hải - Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Phú Thọ (thuộc Sở GTVT) cho biết: “Nhằm đáp ứng tốt việc đào tạo, sát hạch theo quy định mới, thời gian vừa qua Trung tâm đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư 8 xe số tự động. Trên toàn bộ các xe thi thực hành trong sa hình và ngoài đường trường của Trung tâm đều có gắn hệ thống camera, chụp ảnh ngẫu nhiên 3 lần, có thiết bị giám sát đường trường. Trong công tác đào tạo, Trung tâm cũng quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo được gắn liền với phong trào thi đua. Hàng năm Trung tâm đào tạo hơn 1.500 học viên nên vấn đề chất lượng được quan tâm đặc biệt. Riêng nội dung đạo đức nghề nghiệp được chúng tôi quán triệt tới các học viên một cách đầy đủ ngay trong giờ học lý thuyết đầu tiên”. Ngoài ra, Trung tâm được lắp đặt ba màn hình theo dõi để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe, trong đó lắp đặt một màn hình tại hội đồng thi và hai màn hình tại phòng chờ sát hạch để các thí sinh chờ dự thi xem xét và giám sát. Việc đổi mới thi lái xe ô tô lần này có nhiều điểm mới cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt công tác sát hạch. Đặc biệt là vấn đề "học tủ, học vẹt", ngăn chặn việc thi hộ, đánh tráo thí sinh. Bởi, khi thí sinh kết thúc bài thi trắc nghiệm, trong bài thi có in đầy đủ hình ảnh thí sinh, các câu hỏi và câu trả lời, đồng thời thông báo kết quả điểm thi đạt hoặc không đạt. Tương tự như vậy, khi bước vào bài thi sát hạch trên mô hình, đường trường thì camera sẽ tự động chụp hình thí sinh đang ngồi trên xe.
Ông Trịnh Văn Trung - Phó giám đốc Sở GTVT Phú Thọ cho biết: “Với những thay đổi trong công tác sát hạch lái xe, Sở đã có sự chỉ đạo các trung tâm, cơ sở đào tạo phải bổ sung các điều kiện như: Xe tập lái số tự động, nâng cao chất lượng giáo viên. Sở cũng sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác đào tạo, kiểm tra đột xuất, giám sát các kỳ thi cấp chứng chỉ nghề tại các trung tâm nhằm đảm bảo công tác sát hạch diễn ra đúng quy trình, quy định”. Có thể nói việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX lần này đang được tích cực thực hiện sâu rộng trên toàn tỉnh. Điều này sẽ góp phần tăng cường kỹ năng, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT./.
Nguồn: Báo Phú Thọ