10 năm tái lập và đi vào hoạt động, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã tạo bước chuyển biến tích cực về kết cấu hạ tầng nông thôn. Những vùng quê xa xôi giờ đã gần hơn với trung tâm huyện. Đây là một chuyển biến tích cực với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Năm 2004, huyện Phú Tân được tái lập và đi vào hoạt động. Trong nhiều khó khăn, bộn bề của một huyện mới có sự yếu kém về hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn.
Song đến nay, sau 10 năm, với sự chung sức, chung lòng, Phú Tân đã tạo nên một diện mạo mới. Có thể nói, động lực chính cho công tác này là Nghị quyết số 04 của Huyện uỷ Phú Tân ban hành năm 2007 về phát triển hệ thống giao thông vận tải huyện đến năm 2020.
Ông Sử Kỳ Hồng, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, không giấu được niềm vui bởi bản thân ông và bà con ở vùng quê xa xôi này không thể ngờ có sự thay đổi tích cực đến như vậy. Ông Hồng ví von: “Dân nông thôn bây giờ có điện, có đường, có xe cộ đi lại, “sướng như vua”. Rồi tới lui thăm nhau, tình chòm xóm cũng thắt chặt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thơm, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, phấn khởi bày tỏ: “Đường sá bây giờ phát triển quá tốt, ấp nào cũng có lộ nông thôn. Rồi lộ cấp 6 từ huyện xuống xã cũng có xe buýt chạy gần tới nhà, đi lại hết sức dễ dàng. Học sinh đến trường không sợ lầy lội nữa. Người dân buôn bán cũng thuận tiện. Tất cả đều nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền, sự đóng góp tích cực của người dân”.
Bí thư Huyện uỷ Phú Tân Võ Văn Trường cho biết: Trong thời điểm mới tái lập, đường bê tông chỉ khoảng 50 km. Hiện tại, toàn huyện có trên 500 km lộ bê tông cùng với 426 cây cầu nông thôn nối liền mạch giao thông. Tất cả đều do Nhà nước và nhân dân đóng góp và huy động doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện.
Đây là kết quả của ý Đảng lòng dân. Mỗi công trình đều thể hiện sự chung tay góp sức của Nhà nước và nhân dân. Tổng giá trị đầu tư cho các công trình cầu, lộ bê tông trên địa bàn huyện Phú Tân 10 năm qua hơn 262 tỷ đồng. Trong đó, có 40% huy động trong dân.
Theo đó, hệ thống lộ ô tô về trung tâm các xã, thị trấn cũng cơ bản hoàn thành, tạo nên mạng lưới lộ nông thôn thông suốt từ các ấp vùng sâu, vùng xa về trung tâm xã, thị trấn đến trung tâm huyện và nối liền Quốc lộ 1.
Từ đó, bộ mặt kết cấu hạ tầng nông thôn Phú Tân được kết nối đồng bộ, nhất là khi tuyến lộ nối từ trung tâm huyện Phú Tân về Quốc lộ 1 thông suốt đã tạo ra tuyến huyết mạch nối liền mạng lưới giao thông của huyện. Nếu như những ngày đầu tái lập, Phú Tân chỉ có một xã và thị trấn Cái Đôi Vàm có lộ ô tô về đến trung tâm nhưng đi lại cũng rất khó khăn do chưa xây dựng hoàn chỉnh, thì hiện tại, cơ bản 100% xã, thị trấn có lộ ô tô đến trung tâm.
10 năm chưa phải là dài, nhưng đủ để huyện Phú Tân tạo nên bước chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, giao thông nông thôn là một nền tảng cơ bản để kích cầu cho kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện mở ra hướng giao lưu, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị./.
Theo Báo Cà Mau