Ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 2753/QĐ-BGTVT "Phê duyệt Quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Việc xây dựng trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của hành khách, lái xe, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.
Quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ khang trang, hiện đại, theo Quy chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của lái xe, hành khách và phương tiện giao thông khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ.
Cụ thể:
a) Giai đoạn 2013 -2015:
+ Rà soát theo Quy chuẩn kỹ thuật để công bố lại 07 trạm dừng nghỉ đã có quyết định công nhận trạm dừng nghỉ.
+ Xây dựng, mở rộng hoàn thiện 70 - 80 % (khoảng 30 - 40 trạm) số trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 và 15 - 20% (khoảng 15-20 trạm) số trạm trên các quốc lộ khác.
b) Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng, mở rộng hoàn thiện 100% số trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 nhằm mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo ít nhất mỗi tỉnh có một trạm dừng nghỉ (khoảng 45 - 50 trạm) và 30 - 40% số trạm trên các quốc lộ khác (khoảng 25 -30 trạm).
c) Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng, mở rộng hoàn thiện trên hệ thống đường quốc lộ phải có khoảng 100 - 120 trạm dừng nghỉ đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ cho phương tiện và người tham gia giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải đường bộ.
Cũng theo Quy hoạch, diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc của trạm dừng nghỉ phải tuân theo quy định tại Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trạm dừng nghỉ đường bộ. Khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ: từ 30 - 50 km với các tuyến có lưu lượng giao thông lớn (>3.000 xe/ngày đêm) đối với các tuyến quốc lộ có dải phân cách cứng ở giữa bố trí trạm ở 2 bên đường; từ 50 - 70 km đối với các tuyến có lưu lượng giao thông trung bình (1.000 - 3.000 xe/ngày đêm); từ 70 - >100 km đối với các tuyến có lưu lượng giao thông thấp (<1.000 xe/ngày đêm). Bảo đảm thời gian lái xe liên tục không vượt quá 4 giờ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Để thực hiện những mục tiêu trên, bản Quy hoạch cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư. Theo đó, đối với các vị trí có quy mô như trạm dừng nghỉ đang khai thác: khuyến khích các đơn vị kinh doanh tiếp tục đầu tư nâng cấp để được công bố theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải, các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông thực hiện đầu tư 100% vốn để xây dựng, khai thác trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ. Ngân sách nhà nước sẽ đầu tư các hạng mục dịch vụ công (miễn phí) như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, còn các hạng mục khác kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư đối với các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông thấp, vùng núi, vùng sâu, vùng xa hoặc các trạm dừng nghỉ thực sự cần thiết trên các tuyến quốc lộ mà không có nhà đầu tư quan tâm hoặc các trạm dừng nghỉ sau thời gian 02 năm, kể từ ngày quy hoạch được công bố mà chưa có nhà đầu tư.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
DT