Ngày 29/9, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã ký Công điện số 53/CĐ-BGTVT gửi Tổng cục Đường bộ VN; các Cục: Đường thuỷ nội địa VN, Hàng hải VN, Đường sắt VN, Hàng không VN, Y tế GTVT, Cục Quản lý XD&CL CTGT; các Ban QLDA trực thuộc Bộ; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN; các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường sắt VN, Hàng không VN, Vận tải thuỷ, Xây dựng đường thuỷ, Xây dựng Công trình giao thông 5,6; các Sở GTVT các tỉnh ven biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử hàng hải VN về đối phó với diễn biến của bão số 10.
Theo Công điện, hồi 10 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp15. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 10 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển khu vực các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Để chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 10, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục ĐBVN, Cục Đường sắt VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN, Tổng công ty Đường sắt VN, các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng, triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão. Trong ngày 29/9/2013 yêu cầu các đơn vị này tổ chức ngay đoàn công tác do Lãnh đạo đơn vị làm trưởng đoàn đến vùng dự báo bão đổ bộ trực tiếp, trực tiếp chỉ đạo, triển khai phương án phòng chống bão trong phạm vi trách nhiệm của đơn vị mình.
Bộ yêu cầu Đài thông tin duyên hải cần tăng cường thời lượng phát sóng cảnh báo, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt các tàu thuyền hoạt động ở phía giữa Biển Đông biết vị trí, diễn biến của bão để có biện pháp chủ động phòng, tránh không đi vào vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải VN chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Phú Yên yêu cầu các chủ tàu kiên quyết di dời những tàu thuyền đang neo đậu ở các vùng nước, các luồng lạch gây cản trở đến sự hoạt động của tàu thuyền hoặc gây mất an toàn cho người, phương tiện và công trình khi bão đổ bộ vào. Chỉ đạo Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải VN chuẩn bị sẵn sàng các tàu TKCN để tham gia phối hợp cứu nạn khi có yêu cầu.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN chỉ đạo các nhà máy đóng tàu tổ chức chằng buộc, có biện pháp neo giữ an toàn đối với các tàu thuyền, đang sửa chữa hoặc đóng mới trên các triền đà, âu tàu, ụ tàu và các vùng nước thuộc nhà máy đóng tàu quản lý.
Tổng cục ĐBVN chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông chuẩn bị dầm cầu, phao, xe máy, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở đất đá gây tắc đường và duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu. Thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông chủ động phối hợp với cảnh sát giao thông khi phân luồng.
Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức tuần đường 24/24 và bố trí vật tư dự phòng và phương tiện, máy móc sẵn sàng ứng cứu khi đứt đường, trôi cầu… và phối hợp các lượng lượng địa phương và các đơn vị vận tải đường bộ sẵn sàng tăng bo, chuyển khách khi bị dừng tàu do mưa, lũ.
Các Sở GTVT nêu trên phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đảm bảo giao thông, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị và lực lượng ứng cứu để khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra. Thông báo kịp thời tình hình sạt lở, ngập lụt, tắc đường trên các tuyến đường Bộ, đường sắt cho Bộ, các cơ quan thông tin đại chúng biết.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24h/24h và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực PCLB và TKCN Bộ GTVT.
KC