Phòng chống tham nhũng: Chọn người trong sạch đứng đầu

Thứ tư, 24/09/2014 09:57

Chủ trì hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang nhấn mạnh: công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) bước đầu đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân lớn nhất của những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN thời gian qua là “quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN chưa thật sự trở thành hành động tự giác của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương”. Theo ông, qua hơn ba năm chỉ đạo cho thấy các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng và tham nhũng nghiêm trọng như: giao đất, tính giá đất trong các dự án sản xuất, kinh doanh; đền bù giải phóng mặt bằng trong lĩnh vực đất đai; thuế và hải quan (việc ấn định mức thuế); đấu thầu, chỉ định thầu, quản lý chất lượng các công trình đầu tư xây dựng; quản lý tài nguyên, khoáng sản; công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ... Các ngành các cấp căn cứ vào tình hình thực tế của mình lựa chọn các lĩnh vực, địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt. Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang yêu cầu phải có các quy định cụ thể, bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng; đồng thời khen thưởng, biểu dương, vinh danh kịp thời những nhân tố dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, hình phạt phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hại của tội phạm. Cần có hướng dẫn, chỉ đạo xử lý thống nhất đối với loại tội phạm này, không để các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo có tỉ lệ cao so với các loại tội phạm khác. “Những quy định của Đảng và Nhà nước đã phù hợp (với công tác PCTN - PV) nhưng do tổ chức, điều hành yếu kém, cần phải kiên quyết thay người phụ trách, điều hành”- ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh. Cạnh đó, cần cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy “không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”. Theo ông, “không thể nói là đã cương quyết chống tham nhũng khi trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình không nghiêm túc triển khai các quy định, giải pháp phòng ngừa tham nhũng (kê khai tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...) hoặc không tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ đơn vị mình”. Còn ít người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm Báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN cho thấy trên một số lĩnh vực (quản lý, sử dụng tài sản công; chi tiêu thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách; quản lý, sử dụng ODA...) tham nhũng đã có xu hướng giảm, tình hình năm sau tốt hơn năm trước. Đáng chú ý là các biện pháp phòng ngừa đã được chú trọng hơn. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có 14.398 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các quy định về công khai, minh bạch... Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, qua thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương tốt”- bản báo cáo dẫn chứng. Cũng trong năm 2009, qua hơn 3.000 cuộc kiểm tra về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn tại các bộ, ngành trung ương đã phát hiện 202 vụ vi phạm với tổng giá trị 16,5 tỉ đồng, xử lý kỷ luật 187 cán bộ, công chức. Ở địa phương, qua hơn 7.000 cuộc kiểm tra đã phát hiện 379 vụ vi phạm với giá trị thiệt hại hơn 50 tỉ đồng, xử lý 442 cán bộ, công chức. Liên quan đến các vụ việc tham nhũng, các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương xử lý trách nhiệm 195 người đứng đầu. Tuy vậy, Ban chỉ đạo nhận thấy “việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn ít so với số vụ án tham nhũng đã xét xử; nhiều nơi nhầm lẫn giữa xử lý trách nhiệm người đứng đầu với xử lý người đứng đầu khi có sai phạm”. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để hạn chế công khai, minh bạch theo quy định. “Đưa công tác PCTN là một trọng tâm công tác lớn trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền; kiểm điểm việc thực hiện theo định kỳ, gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác PCTN là một trong các nội dung cần được quan tâm trong đại hội đảng bộ các cấp, tạo sự thống nhất về nhận định, đánh giá, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Kết quả công tác PCTN là thước đo năng lực, sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng, năng lực và hiệu quả điều hành của các cấp, các ngành” - Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:134465
Lượt truy cập: 175.401.223