Trả lời ĐBQH về chất lượng công trình, công tác đấu thầu, giám sát, thi công, và suất đầu tư công trình giao thông

Thứ ba, 25/11/2014 15:57
Ngày 20/10, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13270 /BGTVT-QLXD "Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương" về chất lượng công trình, công tác đấu thầu, giám sát, thi công, và suất đầu tư công trình giao thông.

Ngày 20/10, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13270 /BGTVT-QLXD "Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương".
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã gửi chất vấn (gửi kèm văn bản số 40/SYCV-GS ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Văn phòng Quốc hội) với nội dung như sau:
“Thời gian qua Bộ trưởng đã có chỉ đạo ngành Giao thông vận tải đạt nhiều kết quả tốt, tạo được nhiều ấn tượng trong dư luận, đặc biệt Bộ trưởng đã thể hiện rõ nét sự quyết đoán, tự tin trong chỉ đạo điều hành… Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, ngành giao thông vận tải vẫn còn nhiều điều nhức nhối như: chất lượng đường giao thông quá yếu kém, tiêu cực trong đấu thầu, giám sát, thi công còn phổ biến và ở một số lĩnh vực khác…
Đề nghị Bộ trưởng cho biết:
1/ Những giải pháp khắc phục những yếu kém nêu trên?
2/ Vì sao chi phí làm đường giao thông ở nước ta, nhất là đường cao tốc, cao nhất, nhì thế giới? Giải pháp khắc phục? Khi nào có thể khắc phục được tình trạng trên?”

Về nội dung này, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:


1. Về chất lượng công trình, công tác đấu thầu, giám sát, thi công:


Trong thời gian qua các dự án xây dựng giao thông nói chung đã hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các vùng, địa phương nơi có công trình, dự án triển khai. Tuy nhiên, tại một số dự án, công trình khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng ở một số hạng mục hoặc bộ phận công trình làm hạn chế khả năng khai thác sử dụng của công trình.
Để đánh giá đúng nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra đánh giá, chỉ đạo khắc phục và xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia, đối với các nguyên nhân do lỗi của Nhà thầu thì Nhà thầu phải chịu hoàn toàn kinh phí khắc phục, qua kiểm tra chưa phát hiện hiện tượng tiêu cực.
Công tác đấu thầu, quản lý, giám sát, thi công các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được thực hiện tuân thủ theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành. Đồng thời, khi triển khai thực hiện, các chủ đầu tư đều thuê các đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thực hiện thẩm tra thiết kế - dự toán, lập hồ sơ mời thầu, giám sát thi công… Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các dự án còn chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan thanh, kiểm tra như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Xây dựng... Theo các kết luận thanh tra, kiểm toán, tại các dự án tuy còn một số tồn tại cần khắc phục nhưng chưa phát hiện tiêu cực.
Bộ GTVT luôn xác định công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tiến độ trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án. Bộ GTVT đã và tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình như:
- Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và các cơ quan tham mưu, nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện từ khâu lập dự án đầu tư, khảo sát-thiết kế đến thi công xây lắp.
- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và chế độ chính sách để tăng cường công tác quản lý chất lượng và công tác lựa chọn Nhà thầu.
- Tái cơ cấu đầu tư, điều chỉnh, rà soát quy hoạch, chiến lược trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách khó khăn; tập trung chỉ đạo những dự án trọng điểm, dự án có nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo đưa vào khai thác sử dụng đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phục vụ giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
- Rà soát, hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới... đảm bảo thực hiện có chất lượng từ giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế đến giai đoạn thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát quản lý chất lượng, góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án.
- Ban hành các quy định đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng, phân loại các chủ thể tham gia quá trình thực hiện các dự án: Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công và tiến hành thực hiện nghiêm túc, khách quan công tác đánh giá, xếp loại các chủ thể làm căn cứ để lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện dự án.
- Chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm.
- Tăng cường công tác kiểm định, giám định chất lượng tại các dự án có nghi ngờ về chất lượng để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh.


2. Về suất đầu tư công trình giao thông, đường cao tốc:


Hàng năm, Bộ Xây dựng đều công bố suất đầu tư các công trình xây dựng nói chung, trong đó bao gồm các công trình giao thông. Suất đầu tư xây dựng các công trình giao thông sử dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, BOT, BT đã triển khai thực hiện đều bám sát suất đầu tư do Bộ Xây dựng công bố.
Đối với một số dự án sử dụng vốn vay ODA, do các điều kiện đặc biệt theo yêu cầu của Nhà tài trợ (Bên cho vay) kèm theo như: Nhà thầu chính tham gia đấu thầu phải là các doanh nghiệp từ nước cho vay, phải sử dụng một số chủng loại vật liệu, vật tư, thiết bị nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ theo quy định của Bên cho vay với tỷ lệ nhất định…; đồng thời, các chi phí quản lý, chi phí tư vấn (nước ngoài) tại những dự án này thường cao hơn so với các dự án sử dụng vốn trong nước. Do vậy, một số dự án ODA thường có suất đầu tư xây dựng cao hơn dự án đầu tư bằng vốn trong nước. Để khắc phục các hạn chế nêu trên đối với các khoản vay ODA, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ đề nghị các nhà tài trợ nghiên cứu xem xét điều chỉnh chính sách của Bên cho vay để nâng cao tính cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Thời gian qua, trong dư luận xã hội có một số phản ánh về việc suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã phối hợp làm việc với các tổ chức quốc tế để thu thập thông tin về một số dự án đường cao tốc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc phục vụ cho công tác phân tích, so sánh và tổng hợp về thực trạng đầu tư các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam. Theo kết quả tổng hợp, báo cáo của Bộ Xây dựng tại văn bản số 129/BXD-KTXD ngày 22/01/2013 cho thấy: Khi so sánh một số dự án cụ thể có các điều kiện tương đối tương đồng, thì một số tuyến đường cao tốc tại Việt Nam có giá thành xây dựng tương đương với một số tuyến đường cao tốc được xây dựng tại Trung Quốc, Hàn Quốc và thấp hơn đường cao tốc được xây dựng tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã nêu ra các yếu tố ảnh hưởng tới suất đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam như: Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cao; Thời gian xây dựng dự án thường bị kéo dài do giải phóng mặt bằng chậm trễ và thiếu vốn, làm tăng chi phí đầu tư do trượt giá, biến động giá; Máy móc, thiết bị và vật liệu chính (nhựa đường, nhiên liệu) đều nhập khẩu; Nguồn cung cấp vật liệu trong nước không ổn định, giá vật liệu thường biến động lớn khi triển khai xây dựng, làm ảnh hưởng tới thời gian thi công, phát sinh thêm chi phí…
Để khắc phục các yếu tố nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc hiệu quả.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó tập trung vào thực hiện một số giải pháp như: Quản lý chặt chẽ chất lượng từ khâu lập dự án đầu tư đến thiết kế chi tiết; Công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện đúng kế hoạch, phải có đủ nguồn vốn bảo đảm tiến độ xây dựng công trình như phê duyệt trong dự án mới triển khai thi công; Tăng cường áp dụng các công nghệ, vật liệu mới, sử dụng các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm, hợp lý; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình triển khai xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng các quy định làm giảm chất lượng, tăng chi phí không hợp lý, dự án bị kéo dài tiến độ gây lãng phí vốn đầu tư.
Với các phân tích và báo cáo như trên, đồng thời do giá thành xây dựng mỗi dự án kết cấu hạ tầng giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm địa hình, địa mạo, địa chất, điều kiện tự nhiên, công năng, nhu cầu sử dụng, yêu cầu công nghệ, kiến trúc… của từng công trình cụ thể, nên chưa có cơ sở cho rằng suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam cao hơn tại nước ngoài.


Bộ GTVT trân trọng cảm ơn ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thành Nhơn và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý, sự ủng hộ, giúp đỡ của Quý đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để ngành Giao thông vận tải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
(Kèm theo Văn bản số 129/BXD-KTXD ngày 22/7/2013 của Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về suất đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam).

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:85432
Lượt truy cập: 176.411.408