Hệ thống điểm phạt là một hệ thống trong đó các cơ quan có thẩm quyền hoặc CSGT áp dụng thêm hình thức phạt bằng điểm bên cạnh việc phạt tiền và các hình thức xử phạt khác đối với những lái xe vi phạm luật GTĐB.
Hệ thống này có những đặc điểm chính như sau: Các điểm phạt được cộng hoặc trừ đi tùy thuộc theo đặc điểm của từng nước áp dụng; Các lỗi vi phạm nặng thường nhận được hoặc bị trừ đi số điểm phạt cao nhất; Số điểm phạt thường được cộng/trừ ngay khi vi phạm, có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định 1 hoặc 2 năm sau khi vi phạm; hoặc hết hiệu lực nếu các điều kiện được đáp ứng như lái xe an toàn trong thời gian dài sau đó, làm công tác tự nguyện bảo đảm ATGT; Nếu tổng số điểm phạt vượt quá mức giới hạn cho phép, người vi phạm có thể bị cấm lái xe trong một thời gian nhất định hoặc bị thu hồi Bằng lái xe.
Ở một số nước, khi số điểm phạt đến một mức độ nào đó, người lái xe sẽ nhận được thư nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm có thể bị phạt thêm tiền và chịu các hình thức xử phạt khác như tạm giữ bằng lái xe, bắt buộc tham dự các khóa đào tạo về tăng cường kỹ năng lái xe, đạo đức lái xe hoặc thậm chí bị tạm giữ phương tiện. Mục đích chính của áp dụng hệ thống điểm phạt để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa lái xe vi phạm luật GTĐB nhiều lần.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), áp dụng hệ thống điểm phạt tuy không trực tiếp giảm các vụ TNGT nhưng các biện pháp kèm theo cùng hệ thống này như gửi thư cảnh báo, các khóa đào tạo bắt buộc đã giúp giảm khoảng 10% các vụ TNGT. Bên cạnh đó, người lái xe, khi bị điểm phạt nhiều sẽ nhận được thư cảnh báo và đối mặt với nguy cơ bị tạm giữ hoặc tịch thu Bằng lái xe và họ có thể sẽ lái xe cẩn thận hơn. Các khóa đào tạo bắt buộc về luật GTĐB, kỹ năng lái xe, đạo đức lái xe, giúp giảm TNGT nhất là đối với những người lái xe trẻ tuổi.
Hệ thống điểm phạt được áp dụng lần đầu tiên tại Đức, New Zealand và Mỹ từ năm 1974. Sau đó được triển khai tại các nước như Ôtxtrâylia, Đan Mạch, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Na Uy, Bulgaria, Ireland, Canada, Brazil, Nam Phi, Morocco, Serbia, Slovenia, Trung quốc, Hồng Kông, Đài loan, Malayxia, Singapore...Ở Pháp cũng đã có các cuộc bãi công của đội ngũ lái xe về số điểm phạt áp dụng không khả thi và kết quả là phải tăng số lượng điểm phạt và giãn khoảng cách.
Khi trao đổi về vấn đề này, câu hỏi với đại diện của WHO là nếu đã có hệ thống điểm phạt thì liệu có hệ thống điểm thưởng hay không? Họ thông báo trên thế giới hiện chưa có hệ thống điểm thưởng.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hệ thống điểm phạt:
Hệ thống điểm phạt tại Ôtxtrâylia: Nếu người lái xe vi phạm luật lệ GT ở bất kỳ đâu trên đất nước này sẽ ngay lập tức bị phạt một khoản tiền kèm theo điểm phạt lưu trong hồ sơ ATGT của lái xe. Hồ sơ này là một tập hợp tất cả các thông tin cơ bản về người lái xe, bằng lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các lỗi vi phạm mà người lái xe mắc phải như vượt quá tốc độ, thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại di động, lạm dụng rượu bia khi lái xe v.v...và số điểm phạt tương ứng.
Người lái xe có thể tiếp cận toàn bộ thông tin về tình hình Bằng lái xe của mình, số điểm phạt trong hồ sơ ATGT trên mạng sử dụng "Dịch vụ Kiểm tra điểm phạt trực tuyến" trên toàn nước Ôtxtrâylia. Trên mạng còn có một bảng thông tin đầy đủ về các hình thức phạt, mức phạt và số điểm phạt lũy tiến khi vi phạm GT. Ngoài ra, người lái xe vi phạm đến một mức nhất định còn bị cấm lái xe vào ban đêm.
Tại Trung quốc, trao đổi với Đại diện của Công an Thành phố Bắc Kinh, được biết người lái xe nhận 12 điểm trong thời gian 2 năm và sẽ bị trừ dần khi vi phạm GT.
Ở Bang Ontario của Canada, Chính quyền bang còn áp dụng hai hệ thống điểm phạt: cho người mới nhận bằng lái xe và những người đã có bằng. Đối với những người lái xe mới nhận bằng (trong thời gian hiệu lực 2 năm): Bắt đầu từ 0 điểm, nhận phạt đến 6 điểm sẽ nhận được thư cảnh báo. Bị phạt 6 điểm trở lên: người lái xe sẽ phải đến phỏng vấn để trao đổi về các lỗi vi phạm của mình, lý do vi phạm và phải đưa ra các lý do tại sao không cần phải tạm giữ Bằng lái xe của mình. Nếu người lái xe không chịu đến phỏng vấn, họ có thể bị tạm giữ Bằng lái xe. Bị phạt 9 điểm trở lên: Bằng lái xe sẽ bị tạm thu hồi trong 60 ngày kể từ ngày nộp cho Bộ GTVT của Bang. Người lái xe có thể bị tạm giữ Bằng lái xe đến hai năm nếu không nộp Bằng lái xe cho cơ quan trên. Sau khi tạm giữ bằng lái, số điểm phạt trong Hồ sơ của người lái xe sẽ giảm xuống còn 4 điểm. Nếu vi phạm và nhận điểm trừ đến 6 điểm, họ phải đến phỏng vấn, và nếu vi phạm đến 9 điểm Bằng lái xe có thể tạm giữ đến 6 tháng. Đối với những lái xe có bằng lái xe chính thức: Bị phạt từ 6 điểm, người lái xe sẽ nhận được một lá thư cảnh báo, khuyên họ phải nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe. Bị phạt đến 9 điểm, người lái xe sẽ phải đến phỏng vấn về các vụ vi phạm của mình và phải đưa ra các lý do tại sao không cần phải tạm giữ Bằng lái xe. Có thể người lái xe sẽ phải hoàn thành một bài kiểm tra. Nếu trượt bài kiểm tra này, Bằng lái xe có thể sẽ bị mất hiệu lực. Nếu người lái xe không đến phỏng vấn hoặc không đưa ra được các lý do chính đáng để giữ Bằng lái xe, có thể Bằng lái xe sẽ không có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định. Bị phạt đến 15 điểm: Bằng lái xe sẽ tạm thời bị mất hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày lái xe vi phạm nộp Bằng lái xe cho Bộ GTVT của Bang. Bằng có thể bị treo đến 2 năm nếu người lái xe không đến nộp Bằng. Sau thời gian này, số điểm phạt trong Hồ sơ của người lái xe rút xuống còn 7 điểm. Nếu tiếp tục vi phạm đến mức họ phải đến phỏng vấn và nếu bị đến 15 điểm phạt, Bằng lái xe của họ sẽ bị treo đến 6 tháng.
Mức điểm phạt cho một số trường hợp vi phạm:
7 điểm phạt khi: Lái xe không dừng lại tại chỗ xẩy ra va chạm/ tai nạn và không chịu dừng lại khi bị cảnh sát yêu cầu.
6 điểm phạt khi: Lái xe ẩu, đua xe, vượt quá tốc độ từ 50 km/h trở lên, và không nhường đường cho xe buýt chở học sinh.
5 điểm phạt khi: Lái xe buýt không dừng lại tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có cảnh giới ( không được bảo vệ).
4 điểm phạt khi: Lái xe vượt quá tốc độ cho phép từ 30 km/h đến 49km/h và khoảng cách theo xe trước quá gần.
3 điểm phạt khi: Vượt quá tốc độ từ 16km/h đến 29 km/h; lái xe vượt rào chắn tàu hỏa; lấn làn, không chấp hành tín hiệu giao thông, vượt đèn đỏ, không theo sự chỉ dẫn của CSGT, không thông báo thông tin về vụ TNGT cho CSGT, đi vào đường cấm một chiều v.v.
2 điểm phạt khi: Rẽ trái sai quy định, rẽ phải sai quy định, mở cửa xe sai quy định; chở quá người, đi chậm không cần thiết; không chấp hành biển báo giao thông, không dừng trước làn đường dành cho người đi bộ, không nhường đường, không bật tín hiệu khi cần thiết, không thắt dây an toàn, không bảo đảm cho trẻ an toàn trong ghế ngồi dành cho trẻ trong xe ô tô, không bảo đảm an toàn cho người đi cùng nặng dưới 23 kg và không bảo đảm thắt dây an toàn cho người đi cùng dưới 16 tuổi...
Tại Việt Nam, tuy chưa chính thức áp dụng hệ thống điểm phạt nhưng cũng đã từng áp dụng việc bấm lỗ GPLX để đánh dấu số lần vi phạm pháp luật GTĐB trên GPLX. Ban hành từ tháng 2 năm 2003 đến tháng 9 năm 2007, hình thức đánh dấu số lần vi phạm trên GPLX đã không được áp dụng nữa thay vào đó người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc không có thời hạn. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu toàn diện trước khi áp dụng những chính sách mới về bảo đảm TTATGT./.