Hà Tĩnh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn

Thứ năm, 26/02/2015 13:10

Theo kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2015, các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng 748,87 km đường giao thông nông thôn (GTNT) các loại theo cơ chế hỗ trợ xi măng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ những tháng đầu năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực, thời gian hợp lý để phát huy tối đa vai trò làm chủ của người dân trong quá trình làm đường GTNT.

2014 là năm thứ hai Hà Tĩnh thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng đường GTNT. Mặc dù các đơn vị, địa phương đã cố gắng khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra (toàn tỉnh chỉ đạt 80% kế hoạch). Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, quá trình xây dựng đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn, năm 2014, quá trình đàm phán về giá xi măng mất khá nhiều thời gian. Thêm vào đó, toàn tỉnh chỉ có một đơn vị cung ứng xi măng (Công ty cổ phần - Tổng Công ty Miền Trung), nên vào thời gian cao điểm, các địa phương đồng loạt triển khai thì việc cung ứng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch chưa quyết liệt; cán bộ các cấp chưa chủ động tìm hiểu cơ chế, chính sách, triển khai bị động cũng là lý do khiến nhiều địa phương không hoàn thành kế hoạch.

Theo số liệu đăng ký, năm 2015, các địa phương phấn đấu xây dựng hơn 808 km đường GTNT các loại (cao hơn kế hoạch tỉnh giao) trong đó, đường trục xã 14 km, đường trục thôn 164,2 km, đường ngõ xóm 400,5 km, đường trục chính nội đồng 215 km và đường vào khu sản xuất, chăn nuôi tập trung 15,2 km. Theo tính toán, tổng khối lượng xi măng cần thiết để hoàn thành mục tiêu đề ra hơn 101.832 tấn, kinh phí tương ứng 134,41 tỷ đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 48.844 tấn, tương đương 64,47 tỷ đồng; huyện, xã hỗ trợ 52.988 tấn, tương đương 69,94 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Đặng Trần Phong, để hoàn thành kế hoạch đề ra, bên cạnh việc chủ động cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, huyện đã quán triệt nghiêm túc nguyên tắc công bằng, công khai, miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong quá trình huy động nguồn lực từ người dân. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, các địa phương có thể vận dụng hình thức đóng góp phù hợp như: ngày công lao động, tiền, vật tư, vận động nhân dân hiến đất và không bồi thường về cây cối, hoa màu.

Ông Đặng Trần Phong cho hay, để chủ trương xây dựng đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh đi vào thực chất, cần căn cứ vào năng lực huy động cụ thể của các địa phương, tránh tình trạng đăng ký theo kiểu phong trào, hình thức.

Liên quan đến vấn đề huy động nguồn lực trong xây dựng đường GTNT, theo ông Nguyễn Sỹ Dần - Chủ tịch UBND xã Thạch Liên (Thạch Hà), cơ chế hỗ trợ xi măng là một chủ trương đúng, được nhân dân tích cực ủng hộ, qua 2 năm thực hiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí số 2 trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng đường trục xã, tỉnh cần tăng mức hỗ trợ, bởi chi phí đầu tư cho các tuyến đường này lớn. Năm 2015, Thạch Liên là một trong 6 xã của Thạch Hà đăng ký về đích nông thôn mới nhưng việc huy động nguồn vốn từ ngân sách và người dân để xây dựng các tuyến đường trục xã, liên xã gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo phản ánh của hầu hết lãnh đạo các địa phương, để phát huy tối đa hiệu quả cơ chế của tỉnh, việc cung ứng xi măng phải đảm bảo tính kịp thời, chất lượng. Tránh tình trạng khi nông nhàn thì không có xi măng; vào mùa cày cấy, thu hoạch thì xi măng mới được đưa về, như thế vừa khó huy động sức dân, vừa gây khó khăn trong khâu bảo quản. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các địa phương, để đảm bảo chất lượng công trình, vai trò giám sát của cộng đồng, chủ thể hưởng lợi từ công trình phải được chú trọng, nâng cao./.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:6853
Lượt truy cập: 176.146.643