Thông tin về Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai, 01/06/2015 10:23
Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, xác định rõ vai trò quan trọng của ngành Giao thông vận tải (GTVT), Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, ưu tiên phát triển GTVT, trong đó định hướng cho lĩnh vực phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT, VTHKCC trong phạm vi cả nước nói chung và tại các đô thị lớn nói riêng, lĩnh vực VTHKCC đã có bước phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng trên toàn quốc, đặc biệt phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Tại các đô thị còn lại, hoạt động VTHKCC còn manh mún và kém phát triển.

Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có hàng loạt các giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường như: đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, hiện đại hóa điều hành giao thông đô thị v.v… trong đó, tập trung vào giải pháp trọng tâm và then chốt là phát triển hệ thống VTHKCC.

Trong khi hệ thống đường sắt đô thị chưa đưa vào khai thác (tuyến đường sắt đô thị đầu tiên dự kiến sẽ đưa vào khai thác tại Hà Nội năm 2015 và tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2018) thì VTHKCC bằng xe buýt vẫn là loại hình chủ đạo tại các thành phố. Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 đã xác định xe buýt vẫn là loại hình VTHKCC chủ yếu trong giai đoạn đến năm 2020. Hơn nữa, loại hình VTHKCC bằng đường sắt đô thị sử dụng công nghệ hiện đại và năng lượng điện nên không có phát thải gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, quá trình xây dựng chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt (trong đó đặc biệt quan tâm đối với xe buýt sử dụng năng lượng sạch, ít xả thải gây ô nhiễm môi trường).

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư một số phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG) để tham gia VTHKCC bằng xe buýt và có một số chính sách áp dụng riêng đối với dự án này. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cần có những cơ chế, chính sách mang tính bao quát cho toàn quốc để phát triển bền vững, đồng bộ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.

 Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, đầy đủ nhằm khuyến khích phát triển VTHKCC mà trước mắt là VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn đến năm 2020 phù hợp với tình hình phát triển các phương thức vận tải, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

4. Nội dung chủ yếu

a) Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg gồm 11 Điều.

b) Các nội dung chủ yếu của Quyết định:

Quyết định này quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đối tượng áp dụng của Quyết định là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên phạm vi toàn quốc.

Về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải, Quyết định quy định:

- Miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Về  cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải, Quyết định cũng quy định:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Ưu tiên xây dựng mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt tại các địa phương.

Về  cơ chế, chính sách trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, Quyết định quy định rõ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như sau:

- Miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng.

- Giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

Quyết định cũng quy định nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai thực hiện như sau:

- Chủ trì tổng hợp, kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trên toàn quốc, đồng thời phối hợp, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng tiêu chí để xác định loại phương tiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở để miễn lệ phí trước bạ; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương ban hành danh mục phụ tùng, linh kiện để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong nước đã sản xuất được làm cơ sở để xác định các phụ tùng, linh kiện, máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được để miễn thuế nhập khẩu;

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong công tác thông tin, truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát cân đối ngân sách hàng năm để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Quyết định còn quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức thực hiện Quyết định này.

VỤ PHÁP CHẾ - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

ĐÁNH GIÁ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:56849
Lượt truy cập: 170.655.770