Con đường ĐH4 (Bình An - Bình Quế) được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 3/2015 đến nay đã tạo niềm phấn khởi cho người dân huyện Thăng Bình. Trước đây, khi mùa mưa đến, việc đi lại từ vùng đông, vùng trung sang vùng tây và ngược lại bị gián đoạn. Bây giờ con đường đất hục hang lầy lội đã được làm mới phẳng lỳ, việc giao thương, sản xuất đã thuận lợi, thông suốt. Trước đó, tuyến đường Bình An - Bình Nam cũng được hoàn thành đã gỡ bỏ lệ xấu cho người dân nơi đây.
Giờ đây, các tuyến đường giao thông nông thôn quan trọng của huyện Thăng Bình đã được làm mới hoặc nâng cấp sửa chữa; cụ thể: các tuyến đường như Đông Trường Giang - Bình Hải, Bình Dương - Duy Nghĩa, Bình Phú - Bình Quế, Bình Sa - Bình Triều - Bình Hải. UBND huyện Thăng Bình đang hoàn thiện các hồ sơ đề nghị Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh nâng các tuyến đường Thanh niên ven biển, Quốc lộ 14E đi Tiên Sơn (Tiên Phước), tuyến nội thị đi Quế Sơn và Phú Ninh lên thành đường cấp tỉnh.
Gắn biển, đưa công trình đường ĐH4 đi vào hoạt động
Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, định hướng của huyện về phát triển giao thông đường bộ từ nay đến năm 2020 là nâng cấp đi đôi với xây dựng các tuyến đường đạt tiêu chuẩn cấp V. Các con đường này sẽ có mặt đường rộng 5,5m, nền đường rộng 7,5m, phạm vi đất dành cho đường bộ tối thiểu là 30m, tải trọng thiết kế đường tối thiểu đạt 10 tấn. Các tuyến đường ĐX đạt tiêu chuẩn đường cấp VI, mặt đường rộng 3,5m, nền đường rộng 6,5m. Với định hướng đó, Thăng Bình kỳ vọng 21 xã trên địa bàn sẽ đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới sớm hơn trong thời gian đến. “Khi thực hiện kiên cố giao thông đường bộ, Thăng Bình sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn, phân bổ của trung ương và tỉnh, xã hội hóa của người dân và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện sẽ kế thừa các kinh nghiệm đạt được, tiếp tục phát huy nội lực cũng như có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, xã, thị trấn” - ông Bán nói.
Theo UBND huyện Thăng Bình, trong khi chờ đợi UBND tỉnh thống nhất chủ trương tiếp tục đầu tư cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, huyện sẽ ứng trước xi măng cho 22 xã, thị trấn kiện toàn giao thông nông thôn. Các địa phương trên địa bàn sẽ tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ để khai thác cát, sỏi, đá và huy động việc đóng góp sức người, sức của của nhân dân để nhanh chóng hoàn thiện giao thông nông thôn. Đối với các tuyến đường ĐH, huyện đã kêu gọi sự đầu tư của tỉnh là 60%, 40% còn lại huyện, xã và người dân thống nhất phối hợp thực hiện. Huyện sẽ chú trọng bảo trì đường bộ, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xử phạt các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông.