Phú Yên: Đổi thay từ những tuyến đường

Thứ hai, 24/08/2015 09:21

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, những năm qua, tỉnh Phú Yên tập trung đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh đã thay đổi đáng kể, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Miền tây Phú Yên vốn là vùng căn cứ cách mạng qua các thời kỳ, sau giải phóng đến nay tuy đã có sự đổi thay nhất định nhưng nhiều tuyến giao thông đi lại vẫn còn khó khăn, nhất là đến mùa mưa bão hay bị ách tắc. Vào dịp 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 ba năm trước đây, tỉnh Phú Yên tổ chức lễ khánh thành dự án trục giao thông phía tây tỉnh Phú Yên nối liền ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đác Lắc, với tổng kinh phí gần 610 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 115 km với 18 cầu, đập, tràn, đi qua 15 xã của ba huyện miền núi. Điểm đầu của trục giao thông phía tây Phú Yên tại thôn Mục Thịnh, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân nối với đường ĐT638, thuộc huyện Vân Canh (Bình Định); điểm cuối tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh nối với đường NT715B thuộc huyện M’Đrắc (Đắc Lắc).

Sau ba năm tuyến đường chiến lược của tỉnh Phú Yên (nay là quốc lộ 19C) hoàn thành, đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng niềm mong đợi của hàng vạn hộ đồng bào các dân tộc thuộc ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh cũng như các huyện thuộc các tỉnh lân cận. Tuyến giao thông mở ra thông thoáng tạo điều kiện cho các loại cây trồng chủ lực của miền núi như sắn, mía, cà-phê, cao- su, rừng keo… phát triển, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.

Bên ngôi nhà mới xây kiên cố của gia đình, ông Ma Nhà ở buôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa cho biết: “Lâu nay đến mùa thu hoạch sắn, mía và các loại nông thổ sản rất khó bán. Phương tiện duy nhất chuyên chở là xe bò, xe công nông, ngựa thồ. Nay có đường thông suốt, nhà máy đến thu mua tận nhà, bà con rất có lợi. Với điều kiện giao thông thuận lợi như thế này không bao lâu nữa buôn sẽ xóa nhanh được số hộ nghèo, hiện nay gần như gia đình nào cũng mua được xe máy, nhiều nhà mua sắm các phương tiện cơ giới để phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa”.

Từ trục giao thông phía tây này, các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình bê -tông hóa giao thông nông thôn liên huyện, liên xã, liên thôn tạo nên mạch máu lưu thông đến tận các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Trên con đường bê-tông rộng 3,5 m, vừa được hoàn thành, nối thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân với trục giao thông phía tây tỉnh Phú Yên, đã thật sự đưa đời sống của gần 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây đi lên.

Người dân tham gia làm đường giao thông ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên)

Người dân tham gia làm đường giao thông ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên)

Tương tự như tuyến trục dọc phía Tây, trong những năm qua, tỉnh Phú Yên cũng hoàn thiện kết cấu hạ tầng với các tuyến giao thông qua khu vực miền núi, gồm: quốc lộ 25 nối với tỉnh Gia Lai, quốc lộ 29 nối với tỉnh Đác Lắc và đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh Phú Yên vừa khởi công tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường có tổng chiều dài 61,3km, từ huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) đến huyện Kông Chro (Gia Lai). Tuyến đường này không những rút ngắn tuyến giao thông giữa đồng bằng với vùng Tây Nguyên mà còn tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh miền núi trong khu vực.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên (2010 -2015), đến hết năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng mới 1.300 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 350 tỷ đồng . Để đạt được mục tiêu trên, Phú Yên đang huy động toàn bộ nguồn lực nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, nhiều tuyến đường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã được bê-tông hóa, giúp bà con đi lại thuận lợi, góp phần rút ngắn khoảng cách miền ngược với miền xuôi.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh có 13/45 xã vùng đồng bào DTTS đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn. Huyện Đồng Xuân, trong ba năm (từ 2012 đến 2014) đã bê-tông hóa được 73 tuyến giao thông nông thôn tại các xã vùng đồng bào các dân tộc với tổng chiều dài 13,4km. Nhiều tuyến đường đã vươn tới tận các thôn ở vùng sâu, vùng xa. Ông La Mo Trung, Trưởng thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 cho biết, thôn Kỳ Đu có 92 hộ, 338 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Chăm Hroi. Trước đây, đường đến thôn lởm chởm đá, mùa mưa thì lầy lội, mùa hè bụi mù. Nay, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cộng thêm sức dân nên hệ thống giao thông nội vùng đã được bê-tông hóa 100%.
Sông Hinh là huyện được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Già làng Ma Tim ở xã Sông Hinh chia sẻ: “ Chủ trương xây dựng nông thôn mới của Nhà nước đã đem lại đời sống ấm no cho buôn làng. Sướng cái bụng nhất là đường bê-tông tới tận nhà sàn, bà con cảm ơn Đảng và quyết tâm đoàn kết, làm ăn phát triển”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, bê-tông hóa giao thông đang tạo ra sự thay đổi lớn cho vùng đồng bào DTTS. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ bê-tông hóa các tuyến đường liên thôn, buôn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã cho phép các huyện miền núi được sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 năm 2015 để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, buôn đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho bà con đi lại, phát triển sản xuất giao lưu hàng hóa giữa các vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc và miền núi.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:51292
Lượt truy cập: 176.101.972