Tại buổi làm việc, ông Nakagaki Yoshihiko - Phó Chủ tịch FEC cho biết, mỗi năm FEC đều tổ chức một Đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông Nakagaki Yoshihiko đánh giá cao những thành tựu trong lĩnh vực GTVT của Việt Nam, đặc biệt các công trình Nhà ga T2 Nội Bài và cầu Nhật Tân rất đẹp, ông chúc mừng những bước tiến về cơ sở hạ tầng GTVT của Việt Nam.
Ông Nakagaki Yoshihiko mong rằng những công trình này trở thành biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam. Ông được biết, Việt Nam sắp tham gia vào công đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á và sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhật Bản
Hoan nghênh và đánh giá cao FEC sang thăm và làm việc với Bộ GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước tiến rất mạnh mẽ. Hai bên đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác thông qua việc trao đổi các đoàn cấp cao và các cơ quan cấp bộ, ngành. Đáng chú ý trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, thể hiện một bước phát triển mới, tích cực và vững chắc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Trong lĩnh vực GTVT, Nhật Bản là đối tác quan trọng, cung cấp nguồn vốn ODA lớn nhất cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT của Việt Nam. Các dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác rất hiệu quả, tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông, đóng góp lớn vào sự phát biển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tiêu biểu như Dự án hầm Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 Hà Nội, Nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cái Lân, Hải Phòng, Tiên Sa, Cái Mép - Thị Vải, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, đường nối Nhật Tân - Nội Bài...
Bộ trưởng đã giới thiệu với ông Nakagaki Yoshihiko và Đoàn công tác FEC về thành tựu và kế hoạch phát triển GTVT của Việt Nam; trong giai đoạn từ nay tới 2020, Bộ GTVT xác định mục tiêu kết cấu hạ tầng GTVT cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, tập trung vào các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không...
Đoàn công tác của FEC đánh giá cao những thành tựu và kế hoạch phát triển GTVT của Việt Nam
Đánh giá cao những thành tựu và kế hoạch phát triển GTVT của Việt Nam, ông Nakagaki Yoshihiko cho rằng, nếu so sánh hạ tầng giao thông ở Việt Nam, thì ông thấy khu vực miền Trung đang có sự phát triển chậm hơn so với miền Bắc và miền Nam. Theo ông, phát triển cảng biển khu vực miền Trung là yếu tố thúc đẩy phát triển và khu vực này cần thêm những khu kinh tế nữa để phát triển.
“Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách trọng tâm cho phát triển hạ tầng giao thông ở miền Trung. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đô thị hóa nhanh, đặc biệt ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dân số đang phát triển nhanh chóng và ùn tắc giao thông là vấn đề phải giải quyết” - ông Nakagaki Yoshihiko chia sẻ.
Ông Nakagaki Yoshihiko đã nêu lên những câu hỏi về kế hoạch, chiến lược phát triển các loại hình vận tải ở đô thị lớn (TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), kế hoạch phát triển hoạt động đóng tàu. Theo ông với công nghiệp đóng tàu, là ngành có lịch sử lâu đời và được lựa chọn là một trong sáu ngành công nghiệp cần ưu tiên phát triển của Việt Nam. Ông Nakagaki Yoshihiko cũng cho biết, hiện có một số doanh nghiệp của Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào phát triển và hoàn thiện hệ thống KCHTGT Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị FEC phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả góp phần vào việc tăng cường và mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thông, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật Bản, từ đó mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
“Bộ GTVT mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (cảng biển, sân bay, đường cao tốc...). Bộ GTVT luôn hoan nghênh và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng tham gia đầu tư, kinh doanh, triển khai các dự án tại Việt Nam” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xuân Nguyên