Xây dựng văn hóa trong giao thông đường bộ ở tỉnh An Giang

Thứ ba, 08/03/2016 11:05
An toàn giao thông là vấn đề mang tính toàn cầu. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn được các cấp ủy đảng, các bộ ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông và bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong những năm gần đây tỉnh An Giang đã thực hiện khá tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông và đã kiềm chế được tình hình tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, kiềm chế và tiến tới giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông. Bởi lẽ, người tham gia giao thông còn vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ như: đi không đúng phần đường, không đúng chiều đường, không đúng làn đường; đi qúa tốc độ cho phép; chở quá tải, quá số người quy định; sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm những chuẩn mực về đạo đức, về hành vi văn hóa của người lái xe tham gia giao thông … Bên cạnh, một số người sử dụng công trình giao thông còn có hành vi xem thường pháp luật, biểu hiện: lấn chiếm sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè vào mục đích khác; đổ các chất phế thải ra đường giao thông công cộng; biến lòng đường, lề đường, vỉa hè thành nơi tập kết phương tiện; nơi lên xuống hàng hóa; nơi rửa xe, nơi trông giữ xe; bày bán các loại hàng hóa và các hoạt động dịch vụ khác. Ngoài việc thiếu ý thức tự giác chấp hành pháp luật, một số người tham gia giao thông còn có các biểu hiện kém văn minh khác gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh. 
 
Hành vi thiếu văn hóa tiếp theo phải kể đến là ý thức coi thường pháp luật. Trong một năm mà chỉ những hành vi bị phát hiện và xử phạt cũng đã lên đến con số hàng trăm ngàn. Đây là một minh chứng hùng hồn cho sự thiếu hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân (có cả cán bộ công chức nhà nước) còn yếu kém. Cụ thể là người tham gia giao thông còn đi không đúng phần đường, không đúng chiều đường, không đúng tốc độ. Người điều khiển xe mô tô, xe máy tự ý đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng, điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu bia….Một loại hành vi có thể nói là thiếu văn hóa bởi thiếu ý thức chấp hành pháp luật bất chấp hậu qủa xảy ra như thế nào. Đó là hành vi chở quá tải, chở quá số người quy định. Người chủ xe và người lái xe thường chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà không lường hết hậu quả có thể xảy ra và thiệt hại có thể sẽ lớn hơn rất nhiều lần lợi nhuận thu được.
 
Một số loại hành vi mất văn hóa thường thấy là người tham gia giao thông tự nhiên khạc nhổ, chạy xe để văng nước dơ (bẩn) trên đường làm ảnh hưởng đến người đi sau; một số người thì thản nhiên nói tục, nói bậy và ăn mặc lố lăng, phản cảm…
 
Ngoài ra còn thấy việc bày bán các loại hàng hóa từ hàng gia dụng đến các loại thức ăn đường phố; việc treo các loại băng rôn quảng cáo, dựng cổng chào, bày biện các đám tiệc cũng gây mất thẩm mỹ chung cho dù các hoạt động này phần nào cũng đáp ứng được một số nhu cầu của người dân trong nhịp sống của xã hội đương đại.
 
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa trong giao thông đường bộ được thể hiện ở ý thức tự giác chấp hành pháp luật mà cốt lõi là vấn đề con người. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, trong đó có hoạt động giao thông vận tải – sự đóng góp tích cực cho kinh tế phát triển.
 
Để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và con người, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đặt ra các nhiệm vụ xây dựng và phát triển môi trường văn hóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, phong trào “Người tốt việc tốt”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
 
Muốn nâng cao văn hóa trong giao thông đường bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế tiến tới tai nạn giao thông, những người làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải nắm vững những quy định của pháp luật về an toàn giao thông, về xây dựng hành vi văn hóa, nếp sống văn hóa. Người tham gia giao thông phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, về giữ gìn thuần phong mỹ tục, phát huy những tập quán tốt đẹp của địa phương để từng bước chuyển biến về hành vi tiến tới xây dựng thành những nét đẹp văn hóa trong giao thông đường bộ. Hành vi văn hóa được xuất phát, được bắt nguồn từ đạo đức. Hành vi văn hóa trong giao thông đường bộ phải được xuất hiện từ chính người tham gia giao thông và từ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong các mối quan hệ người lái xe phải thường xuyên tiếp xúc, mỗi mối quan hệ có những chuẩn mực ứng xử riêng, phù hợp. Nếu người lái xe thực hiện đầy đủ các chuẩn mực ứng xử tức là đã thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp của mình để nâng cao hành vi văn hóa trong giao thông đường bộ. 
 
Giao thông là một hoạt động không thể thiếu, không thể tách rời với đời sống của con người. Hay nói cách khác giao thông là một mối quan hệ cơ bản trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội của cuộc sống con người. Giao thông góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giúp lưu thông phân phối hiệu qủa các sản phẩm của xã hội. Giao thông góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị xã hội và bảo vệ quốc phòng. Giao thông có thể là thước đo trình độ phát triển của một xã hội; là thước đo trình độ văn hóa của cả một dân tộc. Bởi vậy, giao thông nói chung và giao thông vận tải đường bộ nói riêng là nội dung cơ bản mà các cấp lãnh đạo thường xuyên phải quan tâm trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn xã hội… Trong đó, bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà vấn đề trọng tâm là nâng cao văn hóa trong giao thông đường bộ là mối quan tâm hàng đầu.
 
Những năm gần đây, kể từ khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2009, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thi…để hướng dẫn người dân thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Mặc dù trong những năm qua, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các ngành chức năng và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã thu được khá nhiều thắng lợi. Nhưng thiệt hại về vật chất, mất mát đau thương trong thiệt hại về con người do tai nạn giao thông gây ra là nỗi đau của chính gia đình người bị nạn và là nỗi đau chung của xã hội. Những mát mát, tổn thất ấy có thể được kiềm chế, có thể sẽ không xảy ra nếu mọi người tham gia giao thông chấp hành tốt những quy định của Luật Giao thông đường bộ, chấp hành tốt các chuẩn mực đạo đức hay nói chung là bảo đảm việc thực hiện tốt các hành vi văn hóa trong giao thông đường bộ. Chính vì vậy mà việc nâng cao văn hóa trong giao thông đường bộ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các đơn vị trực tiếp thực thi công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện tốt công tác này, ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền, các bộ , ngành chức năng, sự ủng hộ nhiệt tình các ngành liên quan…cần có sự tham gia nhiệt tình, tinh thần tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Vì vậy, việc nâng cao trình độ dân trí nhằm nâng cao văn hóa trong giao thông đường bộ là rất cần thiết.
 
Để đạt được mục tiêu xây dựng lớp con người mới, con người có văn hóa, con người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và có phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã chủ trương đầu tư cho giáo dục, xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đảng chủ trương chấn hưng nền giáo dục cũng là để nâng cao dân trí. Khi trình độ dân trí được nâng lên thì hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sẽ được nâng lên một bước đáng kể. Với chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền để thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi hệ thống pháp luật ngày càng phải được hoàn thiện và đi vào cuộc sống nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 
 
Muốn thực hiện tốt chủ trương này, mọi người dân phải am hiểu pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thực hiện tốt hành vi văn hóa giao thông, văn hóa đi đường là thiết thực góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên là công chức nhà nước cần gương mẫu thực hiện và động viên, nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện tốt phong trào nâng cao văn hóa trong giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2016: “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ./.
 
Trần Văn Chỉnh (Thanh tra Sở GTVT tỉnh An Giang)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:98972
Lượt truy cập: 176.414.951