Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Giao thông vận tải - thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 23/03/2016 11:36
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước về các dịch vụ công, thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.
I. Đặc điểm tình hình
 
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước về các dịch vụ công, thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật. 
Hàng năm, Bộ GTVT tiếp từ 150 đến 200 lượt công dân đến trực tiếp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đơn thư được tiếp nhận qua đường bưu điện từ 1.000 đến 1.500 đơn thư; qua đường dây nóng và hộp thư điện tử của Thanh tra Bộ từ 20 đến 30 thông tin. Chủ trì giải quyết từ 10 đến 15 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong các năm gần đây, tình hình đơn thư có biểu hiện tăng về số lượng, năm sau cao hơn năm trước, số đơn thư được gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền còn nhiều.
 
II. Thực trạng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Giao thông vận tải
 
1. Tổ chức bộ máy
 
a) Tại Cơ quan Bộ GTVT
Để triển khai có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đưa vào nhiệm vụ ưu tiên giải quyết hàng đầu khi có phát sinh đơn thư. Thanh tra Bộ là đơn vị được Bộ trưởng giao làm đầu mối chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện công tác này. 
Ngày 23/02/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-BGTVT về việc thành lập Phòng thanh tra 4 thuộc Thanh tra Bộ giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngày 07/6/2011, Chánh Thanh tra Bộ ban hành Quyết định số 200/TTr-P4 về việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ công chức, thanh tra viên Phòng Thanh tra 4 thực hiện công tác tiếp công dân, tham mưu giúp Chánh Thanh tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gồm 4 người, gồm 01 Thanh tra viên cao cấp, 02 Thanh tra viên chính, 01 Thanh tra viên.
b) Tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 07 Cục quản lý chuyên ngành bố trí hai cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Các đơn vị trực thuộc Bộ (Viện, Trường, Ban Quản lý dự án, Báo GTVT, Tạp chí GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng công ty, Công ty) bố trí hai cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hiện 100% cơ quan, đơn vị đã có bộ phận thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã trở thành hệ thống đi vào hoạt động có hiệu quả.
II. Kết quả thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
 
Từ năm 2011 đến năm 2015, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp 794 lượt/794 vụ việc, tiếp 16 đoàn đông người/139 người; tiếp nhận 4.495 đơn thư các loại, trong đó: Có 587 đơn khiếu nại, 1.149 đơn tố cáo, 2.749 đơn kiến nghị, phản ánh, mạo danh, nặc danh; 58 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT. Thanh tra Bộ đã tham mưu giúp Bộ trưởng giải quyết dứt điểm không có khiếu nại, tố cáo kéo dài đạt tỷ lệ 100%. Kết quả nêu trên được biểu dương và đánh giá cao trong các báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương.
Bên cạnh việc tiếp công dân, phân loại xử lý đơn thư, Thanh tra Bộ GTVT còn có nhiều văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động cũng như đơn của công dân nhằm giải quyết triệt để không còn khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Trong công tác xây dựng thể chế: Năm 2013, Thanh tra Bộ tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;  năm 2014 ban hành Thông tư quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ GTVT. Vì vậy, công tác này đã đi vào nền nếp. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, cũng như phát sinh được giải quyết kịp thời, dứt điểm từ cơ sở. 
Bên cạnh đó Thanh tra Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tăng cường công tác thanh trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu trong việc triển khai và thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ GTVT bước đầu đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế, bất cập như sau:
 
III. Tồn tại, hạn chế:
 
1. Tại cơ quan Bộ GTVT 
 
a) Về phòng tiếp công dân: Hiện tại Phòng tiếp công dân còn chật hẹp, chưa khang trang, các trang thiết bị còn thiếu như: Tủ sách pháp luật; máy tính, điện thoại, Camera. 
b) Về số lượng cán bộ tiếp công dân: Hiện tại, Phòng thanh tra 4 có 04 cán bộ  gồm: 01 Thanh tra viên cao cấp, 02 Thanh tra viên chính và 01 Thanh tra viên. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn như: Tiếp công dân; phân loại, xử lý đơn thư; trực tiếp tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo; thực hiện thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường trực Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT. Do vậy, lực lượng làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Bộ còn mỏng so với nhiệm vụ được giao.
c) Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng: số cán bộ này chủ yếu được đào tạo tại các Trường Đại học Luật, Đại học An ninh nhân dân; chưa có cán bộ đào tạo Đại học giao thông vận tải, Đại học Tài chính... Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đối với các vụ việc có nội dung liên quan rất nhiều đến chuyên ngành như: Giao thông, tài chính..., buộc phải trưng dụng các cán bộ thuộc các cơ quan tham mưu của Bộ hoặc các đơn vị trực thuộc có phần làm giảm tiến độ thời gian thực hiện và thiếu chính chủ động trong việc giải quyết vụ việc.
 
2. Tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ
 
a) Cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn bộc lộ một số hạn chế nên một số vụ việc giải quyết kéo dài hoặc phải giải quyết lại gây mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.
b) Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ làm công tác tiếp công dân trình độ còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa tâm huyết với nghề. 
c) Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ ảnh hưởng đến thành tích.
 
IV. Giải pháp chung đối với cơ quan Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
 
1.  Tăng cường biên chế cho bộ phận tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo số lượng, chất lượng, phẩm chất đạo đức, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Trang bị Phòng Tiếp công dân đảm bảo đầy đủ, khang trang, theo quy định.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có sự phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, kiểm tra với Ủy ban Kiểm tra đảng ủy cùng cấp trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
3. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; chuyển từ cơ chế quan liêu sang cơ chế phục vụ công dân, lấy công dân làm trọng tâm, công dân là người được các cơ quan công quyền phải phục vụ.
4. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của bộ phận được giao nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lựa chọn cán bộ phải liêm chính, minh bạch, khôn khéo nhưng kiên quyết trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đối với nhân dân phải thực sự tôn trọng lễ phép, kiên trì, kiên quyết, có giải pháp đồng bộ, giải quyết dứt điểm không để khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
5.Thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
6. Mở rộng các kênh để tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ảnh như: thành lập đường dây nóng, mở hộp thư điện tử … xử lý triệt để các đơn khiếu nại, đơn tố cáo ngay từ cơ sở, tránh để đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
 
V. Bài học kinh nghiệm
 
1. Ở đâu, cơ quan, đơn vị nào không thực hiện tốt quy chế dân chủ; không thực hiện công khai, minh bạch; hoạt động kép kín, lợi ích nhóm; mất đoàn kết nội bộ; nhiều cán bộ có biểu hiện cơ hội chính trị, không chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; có biểu hiện bất bình đẳng. Ở đâu Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu không phải là quan thanh liêm, có xu hướng nghe kẻ nợ bợ, ghét người thẳng thắn, trù dập cán bộ nhân viên. Với quy luật mâu thuẫn “tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo mãi cũng quằn” thì ở cơ quan, đơn vị đó tất yếu rất nhiều đơn khiếu nại, tố cáo đó là quy luật của muôn đời.
2. Ở đâu Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;  né tránh, sợ trách nhiệm, sợ thành tích  dẫn tới đùn đẩy, thậm chí bao che cho người bị khiếu nại, tố cáo thì tất yếu không bao giờ giải quyết đến nơi đến trốn, khiếu nại, tố cáo tất sẽ kéo dài vượt cấp. Ngược lại Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là mẫu người vì dân, vì nước là quan thanh liêm thực sự có tài, có đức, có tâm, lấy quan điểm giải quyết vì dân mà phục vụ, hết lòng vì nhân dân, coi nhân dân mình như cha, mẹ, anh, em, coi đồng chí đồng đội mình như chân tay mình thì ở đó vụ việc được giải quyết thấu đáo. 
                 Dương Văn Thủy, Trưởng phòng Thanh tra 4, Thanh tra Bộ GTVT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:40356
Lượt truy cập: 176.399.816