Cải cách hành chính, thủ tục hành chính là vấn đề sống còn

Thứ năm, 14/04/2016 10:51

Đây là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT sáng nay (14/4/2016). Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Ngành Đường sắt phải thay đổi tư duy; Tập trung vào giao thông và ATGT đường thủy nội địa; Đẩy nhanh các dự án hàng không; Hỗ trợ các địa phương làm tốt công tác xây dựng giao thông nông thôn…
Dự buổi làm việc có các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường; Nguyễn Ngọc Đông; Nguyễn Văn Công; Lê Đình Thọ; Nguyễn Nhật; đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Phạm Công Bổng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT.

Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL

Mở đầu buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo tình hình xây dựng văn bản QPPL 3 tháng đầu năm. Bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết: Trong Quý I/2016, mặc dù có  tháng Tết nhưng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vì còn trình sớm các văn bản như Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam.


Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT
 chủ trì buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT

Các cơ quan hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng Văn bản QPPL Quý I/2016. Cụ thể: Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng; các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng 06 dự thảo thông tư, 01 đề án thuộc chương trình công tác và 02 đề án ngoài chương trình công tác. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 đề án và cho ý kiến 01 đề án do Bộ GTVT chủ trì trình; Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư và phê duyệt 03 đề án. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện 05 dự thảo văn bản QPPL và 03 đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm được ban hành.

Đối với dự án Luật Đường sắt (sửa đổi): Bộ đã tổ chức 02 hội thảo lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự thảo (lần 4) và Ban Cán sự đảng Bộ đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo. Ngày 25/3/2016, Bộ đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ cũng đã tiến hành tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

“Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng các văn bản QPPL trong Quý II/2016, đề nghị các đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo tích cực hơn nữa để văn bản trình Bộ trưởng ký ban hành và văn bản trình Chính phủ bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; quyết liệt cải cách các TTHC; chủ động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, bà Trịnh Thị Hằng Nga cũng yêu cầu.

Đủ điều kiện khởi công 4 dự án trong năm 2016

Cũng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng đã báo cáo tình hình triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển 3 tháng và cả năm 2016.

Ông Nguyễn Hoằng cho biết: 3 tháng đầu năm, kết quả thực hiện ước đạt 12.634,5 tỷ đồng, đạt 19,13%; giải ngân ước đạt 13.109,5 tỷ đồng, đạt 19,85% kế hoạch năm 2016. Trong đó, nguồn vốn NSNN và TPCP được Thủ tướng Chính phủ giao (34.045,8 tỷ đồng, không bao gồm hoàn ứng 500 tỷ đồng): ước thực hiện 4.622,5 tỷ đồng, đạt 13,58%; ước giải ngân 4.003,5 tỷ đồng, đạt 11,76% kế hoạch; Nguồn vốn ngoài ngân sách (32.000 tỷ đồng): ước thực hiện 8.012 tỷ đồng, đạt 25,04%; ước giải ngân 9.106 tỷ đồng, đạt 28,46% kế hoạch năm 2016.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng cũng báo cáo, đối với các dự án khởi công mới năm 2016: hiện đã phê duyệt đầu tư và đủ điều kiện để khởi công theo quy định trước ngày 31/3/2016 cho 4 dự án khởi công mới năm 2016 (QL37 và cầu sông Hóa, QL15 tiểu dự án 3, QL30 Hồng Ngự - Dinh Bà, QL279B Điện Biên).

“Đối với các dự án ODA đang chuẩn bị ký kết Hiệp định (cầu Thịnh Long, dự án LRAM, Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch và dự án cầu yếu vốn EDCF), yêu cầu các Chủ đầu tư báo cáo Bộ kịp thời tiến độ hoàn tất công tác chuẩn bị dự án để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ghi kế hoạch vốn thực hiện”, Vụ trưởng Nguyễn Hoằng nhấn mạnh.

Ông Hoằng cũng cho biết, đối với Dự án khắc phục sự cố cầu Ghềnh: sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án theo lệnh khẩn cấp, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện và đã làm việc với Bộ Tài chính để bố trí vốn thực hiện Dự án. Hiện nay, đã thực hiện xong phân khai vốn cho Dự án (từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016) tới Kho bạc cấp phát để thực hiện.

Cũng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Hoàng Hà nhấn mạnh việc Tổ đặc nhiệm khắc phục hằn lún vệt bánh xe đã và đang tiếp tục theo dõi các dự án đã xảy ra và khắc phục hiện tượng này để xử lý khẩn trương, dứt điểm trước mùa nắng nóng năm 2016.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện; Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Lê Hoàng Minh... cũng báo cáo về các dự án cũng như các vướng mắc của ngành quản lý tới Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và các đồng chí lãnh đạo Bộ để có hướng giải quyết kịp thời.

Nhiệm vụ của ngành GTVT còn rất nặng nề

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định: Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đạt được nhiều thành tựu, được Đảng, Quốc hội và nhân dân ghi nhận. Điều đó là có sự nỗ lực cố gắng của cá nhân đồng chí nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng như tập thể CBCNV ngành GTVT. Do đó, ngành GTVT phải quyết tâm giữ vững thành tích đó, đồng thời phát huy truyền thống để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ này.


Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Trước mắt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính của Bộ GTVT, đứng đầu các bộ, ngành trong thời gian qua.

“Ngay từ các đồng chí Thứ trưởng cũng làm tốt và nắm rất sát vấn đề này. Tuy nhiên, trong thời gian tới tất cả các đồng chí phải tiếp tục quan tâm, duy trì, nhất là việc xây dựng các văn bản QPPL bởi cải cách hành chính và thủ tục hành chính luôn là nhiệm vụ sống còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ một chút lơi lỏng sẽ làm ảnh hưởng ngay đến kết quả và hiệu quả của nó”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.

Cụ thể về các nhiệm vụ trước mắt, về đường bộ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng việc quyết tâm hoàn thành 2000km đường cao tốc là thách thức và nhiệm vụ lớn của Ngành GTVT. Việc này đặt ra câu hỏi phải thu hút vốn từ đâu, khơi nguồn nào? Tháo gỡ từ vấn đề gì? Làm thế nào, cơ chế nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề mà Ngành GTVT cần quan tâm và tập trung thực hiện bằng được.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng việc hoàn thành nhiều dự án BOT trong thời gian qua là thành công của ngành GTVT nhưng việc quản lý và vận hành khai thác, bảo trì tốt các dự án này cũng còn rất nhiều vấn đề. Song song với đó là việc Ngành GTVT phải phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương rà soát việc thu phí, đặt trạm thu phí cho phù hợp với quyền lợi của doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo cho người dân tham gia giao thông tiết kiệm chi phí.

Về đường sắt, hàng không, Bộ trưởng chỉ rõ phải hợp lý hoá khai thác, phát huy đối đa hiệu quả. “Thời gian vừa rồi với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, ngành Đường sắt đã thay đổi nhiều, chất lượng được tăng lên. Nhưng như thế đã được chưa, đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay chưa, đã hiệu quả nhất với những gì đang có chưa? Theo tôi là chưa. Chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa” – Bộ trưởng nói.

Với hàng hải, đường thuỷ, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành cần nỗ lực hơn nữa để nâng thị phần vận chuyển, đặc biệt là khơi thông luồng lạch, có các cơ chế hợp lý để thúc đẩy vận tải và đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, nhất là tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực mà theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã rất nhộn nhịp trong quá khứ vì kênh rạch nhiều, nhưng đến nay còn bỏ ngỏ khai thác, chưa phát huy được hiệu quả và đặc biệt nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT là rất cao.

Riêng với lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo vấn đề quan trọng trước mắt là tập trung tháo gỡ cho CHK Tân Sơn Nhất để đáp ứng cầu đi lại thuận tiện của người dân trong khi chưa xây dựng xong CHK quốc tế Long Thành.

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề giao thông nông thôn (GTNT), Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần hỗ trợ các địa phương về kinh nghiệm kỹ thuật. “GTNT có ý nghĩa rất lớn, đặc việt với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bởi chỉ khi có giao thông thuận lợi, bà con nông dân mới không bị thương lái dìm giá, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế vùng", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Hoài Lâm

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:7250
Lượt truy cập: 176.146.699