Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, chuẩn hóa hệ thống quốc lộ
là rất quan trọng, góp phần tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả vận tải
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 3 (Ban 3) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), dự án VRAMP sử dụng vốn vay của WB có tổng mức đầu tư 301,5 triệu USD, tương đương 6.305,50 tỷ đồng (vốn vay WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của DFA là 1,7 triệu AUD tương đương khoảng 1,5 triệu USD). Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, Tổng cục ĐBVN là chủ đầu tư, Ban 3 là cơ quan quản lý dự án.
Dự án VRAMP được ký Hiệp định ngày 14/01/2014 và có hiệu lực đến 31/12/2020. Dự án gồm 4 hợp phần: Hợp phần A - Quản lý tài sản đường bộ; Hợp phần B - Bảo trì tài sản đường bộ; Hợp phần C - Nâng cấp tài sản đường bộ và Hợp phần C - Tăng cường năng lực cho Tổng cục ĐBVN.
World Bank sẵn sàng hỗ trợ nâng cấp các tuyến đường quốc lộ
Về tiến độ thực hiện dự án, Hợp phần A được chia thành 03 tiểu hợp phần: Tiểu hợp phần A1 - Xây dựng khung cơ sở dữ liệu đường bộ, xây dựng hệ thống và lập kế hoạch quản lý tài sản đường bộ đã hoàn thành khối lượng khoảng 30%; Tiểu hợp phần A2 - thu thập dữ liệu đường bộ và Tiểu hợp phần A3 - mua sắm thiết bị thu thập dự kiến tổ chức đấu thầu vào Quý II/2016.
Hợp phần B được chia thành 07 tiểu hợp phần: Tiểu hợp phần B1, B4, B5 đã hoàn thành khối lượng khoảng 28%; Tiểu hợp phần B2 hoàn thành khoảng 75-80% khối lượng, giải ngân được 246,06/894,38 tỷ đồng; Tiểu hợp phần B3 đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, giải ngân khoảng 376,53/977,98 tỷ đồng; Tiểu hợp phần B6 đạt khối lượng khoảng 25%; Tiểu hợp phần B7 đã thực hiện thanh, quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Hợp phần C chia thành 04 tiểu hợp phần, tiểu hợp phần C1 có các gói thầu RAI/CP12, RAI/CP13, RAI/CP14 mới hoàn thành khối lượng khoảng 5%, giải ngân được 125,60/1.113,41 tỷ đồng; các gói thầu PC1 và CP1A đã hoàn thành khoảng 90-95% khối lượng, giải ngân khoảng 205,07/343,586 tỷ đồng.
Hợp phần D và các Tiểu hợp phần C2, C3, C4 của Hợp phần C đang được thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Về công tác giải ngân, vốn đối ứng năm 2014 và 2015 đã giải ngân được 85/85 tỷ đồng kế hoạch giao; vốn đối ứng năm 2016 đã giải ngân 48/50 tỷ đồng kế hoạch giao; vốn IDA, đã giải ngân đến thời điểm hiện tại là 1.008 tỷ đồng (trong đó năm 2016 là 221,87 tỷ đồng).
Tại cuộc họp, nhằm tăng cường hội nhập quốc tế nói chung và khu vực ASEAN nói riêng; đồng thời tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, chống tác động biến đổi khí hậu, Tổng cục ĐBVN đã đề xuất xin chủ trương xây dựng Đề án “Chuẩn hóa mạng lưới quốc lộ Việt Nam”.
Đại biểu tham dự cuộc họp
Đánh giá về dự án VRAMP, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án VRAMP rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ đem lại lợi ích to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng kinh tế của Việt Nam. Quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn do dự án liên quan đến nhiều địa phương, vùng sâu vùng xa, để đạt được kết quả thực hiện dự án như hiện nay, Ban 3 đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua.
Về đề xuất xin chủ trương Đề án “Chuẩn hóa mạng lưới quốc lộ Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng trường cho biết, các đề xuất của Tổng cục ĐBVN là rất phù hợp với thực tế hiện nay vì thời gian qua việc nâng cấp các tuyến đường tỉnh lên thành quốc lộ còn gặp nhiều vấn đề về chất lượng. Do đó, chuẩn hóa hệ thống quốc lộ là rất quan trọng, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả vận tải.
Các đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đàu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, đơn vị dự họp. Đặc biệt, phía WB sẵn sàng hỗ trợ việc nâng cấp các tuyến đường quốc lộ nhằm chuẩn hóa mạng lưới đường quốc lộ của Việt Nam.
Phùng Trọng