Điểm đầu tiên của cuộc hành trình là Đài Kiểm soát không lưu Phú Bài. Đài được xây dựng mới năm 2006, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát việc lưu thông của máy bay trong khu vực sân bay Phú Bài. Đồng chí Đài trưởng giới thiệu sơ qua với đoàn về các trang thiết bị điều hành bay, về công việc và những đặc thù nơi đây. Anh nói: “Những năm gần đây, lưu lượng chuyến bay đến Huế ngày càng tăng cao, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 30 lượt chuyến cất, hạ cánh. Chúng tôi gồm bảy kiểm soát viên không lưu luôn chủ động tác hợp, chỉ huy máy bay đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả, không để xảy ra sai sót”. Cả đoàn đứng trên độ cao 30 mét của đài chỉ huy, được mãn nhãn ngắm cảnh máy bay Vietjet Air cất cánh an toàn dưới sự điều hành thông suốt của một nữ kiểm soát viên Phú Bài, thêm hiểu và đồng cảm với nghề kiểm soát không lưu ngoài trình độ tay nghề còn cần cả bản lĩnh và lòng nhiệt huyết.
Rời Phú Bài, đoàn di chuyển đến thăm lăng Khải Định và Hoàng thành Huế thuộc quần thể cố đô Huế. Thủa xưa, Kinh đô Huế là thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất từ năm 1802, sau khi Hoàng đế Gia Long lên ngôi mở đầu cho triều Nguyễn. Đến năm 1945 vua Bảo Đại thoái vị, Hà Nội lần nữa được chọn là Thủ đô và Huế trở thành Cố đô chấm dứt chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Đến đây, đoàn được ôn lại một giai đoạn lịch sử phong kiến nước nhà- vương triều Nguyễn 9 chúa 13 vua, được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật sành sứ độc đáo, phảng phất vẻ uy nghiêm và quyền lực trong không gian tĩnh mịch, rêu phong.
Ngày cuối cùng ở miền Trung, đoàn khởi hành tham quan Trạm radar Sơn Trà I và Trạm radar Sơn Trà II tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, nằm trên độ cao hơn 600 mét so với mực nước biển. Trạm radar Sơn Trà I được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đầu tư xây dựng từ năm 1990, bên cạnh hai trạm radar của quân chủng Phòng không Không quân. Trạm radar Sơn Trà I là một trong ba trạm radar ngành Hàng không đã xây dựng để phục vụ công cuộc đấu tranh trành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh từ những năm 80-90 thế kỷ trước. Cán bộ, nhân viên của trạm đón tiếp đoàn ân cần, nồng hậu. Các anh đưa chúng tôi đi tham quan phòng kỹ thuật, tham quan quả cầu radar và nhiệt thành hướng dẫn, trả lời câu hỏi, thắc mắc của từng thành viên trong đoàn. Đồng chí đội trưởng Nguyễn Tự Lực giải thích: “Hệ thống radar định vị và đo khoảng cách các vật thể như máy bay trong vùng trời từ Vinh- Nghệ An đến Nha Trang- Khánh Hòa. Cánh Radar rộng 18 mét, liên tục quay trong quả cầu được làm bằng composit. Năm 2006, một cơn bão to đã thổi bay nắp quả cầu và một số bộ phận radar, nhân viên Trung tâm Kỹ thuật Quản lý bay lúc bấy giờ đã phải tích cực tham gia sửa chữa sau bão”. Các anh còn giới thiệu với đoàn phòng Truyền thống của trạm, nơi lưu giữ những hình ảnh hoạt động tiêu biểu của cán bộ nhân viên nơi đây và cả hình ảnh khắc phục sự cố trạm radar sau bão.
Sau khi tham quan trạm radar Sơn Trà I, đồng chí trạm trưởng tiếp tục đưa đoàn đến tham quan trạm radar Sơn Trà II cách đó không xa. Do trạm radar I đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng nên trạm II được xây dựng nhằm tiến tới thay thế trạm I để đảm bảo công việc luôn được thông suốt. Trạm radar Sơn Trà II hiện đại hơn với nhiều ưu việt hơn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng trong quý III năm nay.
Ngoài thời gian tham quan, học hỏi, đoàn còn có dịp giao lưu với công đoàn, nữ công của Công ty Quản lý bay miền Trung. Qua những lần giao lưu, trò chuyện, mọi người không cảm thấy sự xa xôi cách trở giữa hai miền, chỉ còn lại là tấm chân tình, thân mật, gần gũi của những đồng nghiệp cùng chung mái nhà Quản lý bay.
Người trở về để tâm hồn ở lại, lưu luyến một chuyến đi với nhiều trải nghiệm mới giữa tình thương và lòng nhiệt thành của con người miền Trung. Chuyến sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề “Giáo dục truyền thống lịch sử kết hợp trau dồi kiến thức ngành Hàng không qua một số cơ sở điều hành bay” đã thành công hơn mong đợi, mỗi thành viên đều thỏa mãn với những kiến thức mình được lĩnh hội. Từ trực quan sinh động sẽ nâng cao tầm hiểu biết, giúp ích rất nhiều cho mỗi đảng viên trong công tác chuyên môn, trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thêm yêu ngành, yêu nghề mà mình đã chọn lựa và theo đuổi. Chúng ta không thể phủ nhận rằng hoạt động ngoại khóa đóng vai trò quan trọng trong việc bổ trợ kiến thức, bổ sung các kỹ năng và kinh nghiệm sống, giúp con người hoàn thiện bản thân.