Cục Quản lý đường bộ II: Tập trung triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe

Thứ tư, 15/06/2016 09:01

Cục Quản lý đường bộ II (QLĐB II) là cơ quan hành chính thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN). Ngoài chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung, Cục QLĐB II được Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động ở các tỉnh trên địa bàn quản lý. từ năm 2015, 2016, Cục thực hiện thêm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tại địa bàn tỉnh Ninh Bình.

 

Tập trung chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Kế hoạch số 594/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Kế hoạch năm An toàn giao thông 2016; Công điện số 18/CĐ-UBATGTQG ngày 14/5/2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với Tổng cục ĐBVN, Cục QLĐB II đã chỉ đạo các chi cục QLĐB trực thuộc bố trí công chức thanh tra chuyên ngành đường bộ và tuần kiểm viên đường bộ điều tra, thống kê nắm cụ thể, đúng thực trạng tình hình xe quá tải, xe vi phạm kích thước thùng chở hàng ô tô tải rồi báo cáo, cung cấp thông tin để Cục QLĐB II xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về KSTTX và đề xuất phương án tổng thể, đồng bộ về KSTTX từng địa bàn; đồng thời đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo, đề nghị Sở GTVT, Công an tỉnh phối hợp với Cục QLĐB II trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, Phương án KSTTX.

Trên cơ sở đó, từ ngày 01/01/2016 đến nay, Cục QLĐB II đã tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện 5 Đoàn Thanh tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn cầu đường bộ và kích thước thùng chở hàng ô tô tải trên các tuyến quốc lộ do Cục QLĐB II quản lý và địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Trong công tác thanh tra thường xuyên, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, Cục đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT, lực lượng Công an các tỉnh trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Cục đã thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động các tỉnh trên địa bàn; kịp thời báo cáo tình hình hoạt động về Tổng cục ĐBVN và UBND, Ban ATGT tỉnh góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác KSTTX, đồng thời thực đúng quy định của pháp luật trong công tác thanh tra xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về lĩnh vực KSTTX, ngày 24/3/2016 Cục QLĐB II đã có Hướng dẫn số 952/HD-CQLĐBII về giải pháp và quy trình xử lý trong trường hợp xe vi phạm đóng cửa bỏ đi; ngày 20/5/2016 Cục đã có Hướng dẫn số 1696/HD-CQLĐBII về thẩm quyền dừng và các trường hợp xử lý phương tiện vận tải đường bộ vi phạm; tiếp theo ngày 25/5/2016 Cục đã tiếp tục ban hành Công văn số 1791/CQLĐBII-TTrAT về chấn chỉnh hoạt động của các Đoàn Thanh tra về KSTTX, các văn bản này nhằm hướng dẫn và yêu cầu lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành đường bộ trong toàn Cục thực thi đúng trách nhiệm và thẩm quyền.

Trong công tác xử lý, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Cục đã ban hành 376 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe và chủ phương tiện; phạt tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt lỗi tải trọng 2.294.300.000 đồng/293 trường hợp; thành thùng 180.800.000 đồng/27 trường hợp và vi phạm khác về vận tải đường bộ 140.900.000 đồng/56 trường hợp vi phạm. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 145 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 01/01/2016 đến ngày 09/6/2016 là hơn 3 tỷ đồng (trong đó 422,5 triệu đồng xử phạt các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ).

Lực lượng thanh tra của Cục lập biên bản xe vi phạm trên QL1A
đoạn qua phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Theo ông Hồ Văn Sự, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn Cục QLĐB II, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm hoặc triển khai chưa đồng bộ, quyết liệt khiến tình trạng xe vi phạm quanh các khu công trình xây dựng, khai thác mỏ, khu kinh tế, khu vực cảng hay một số tuyến quốc lộ chưa được kiểm tra, xử lý triệt để; bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chở hàng, chở vật liệu xây dựng chạy nội tỉnh, trên đoạn tuyến ngắn lén lút hoạt động; quá trình làm việc của các Đoàn Thanh tra luôn luôn bị chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải cử người bám sát, theo dõi hoạt động để báo tin cho lái xe điều khiển phương tiện trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát mà chưa có chế tài của pháp luật xử lý được đối tượng đeo bám này; Cục QLĐB II còn thiếu nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động công tác thanh tra về KSTTX nên thiếu nguồn để chi trả tiền xăng xe, công tác phí, tiền làm đêm, làm thêm giờ theo chế độ quy định cho lực lượng công chức thanh tra trong quá trình thực thi công vụ và thiếu nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dùng để phát hiện và xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cũng theo ông Sự, để giải quyết những khó khăn trên các cơ quan chức năng cả Trung ương và địa phương, nhất là cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, truyền hình cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác KSTTX. Đồng thời, kính đề nghị Bộ GTVT và Bộ Công an có văn bản chỉ đạo UBND, Ban ATGT và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng các giải pháp hữu hiệu để các Trạm KTTTX của các tỉnh trên địa bàn nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trạm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người được giao nhiệm vụ, quyền hạn không đưa xe có dấu hiệu vi phạm về tải trọng vào Trạm cân kiểm tra tải trọng để xử lý; lắp đặt camera giám sát hai đầu Trạm bảo đảm theo dõi được toàn bộ xe lưu thông qua vị trí đặt Trạm KTTTX lưu động để người có trách nhiệm và thẩm quyền truy cập, trích xuất dữ liệu, phát hiện và xử lý kịp thời, đầy đủ, nghiêm minh các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ.

Đồng thời, phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn còn nhiều xe quá tải hoạt động tiếp tục triển khai tổng thể, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp KSTTX và xử lý xe vi phạm kích thước thùng chở hàng ô tô tải; trong đó chú trọng thành lập các Đoàn Thanh tra liên ngành để KSTTX ngay từ các đầu mối hàng hóa; và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo triển khai đồng bộ việc lắp hệ thống cân động tại các Trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, đồng thời di chuyển một số Trạm KSTTX lưu động của địa phương hiện đặt hoạt động tại vị trí chưa hiệu quả về hoạt động thường xuyên ngay sát tại vị trí Trạm thu phí nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Trạm KSTTX.

Nguồn: Báo Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:110394
Lượt truy cập: 176.471.349