Trạm kiểm soát tải trọng xe tại xã Phong Phú (Tân Lạc) duy trì hoạt động 24/24h tất cả các ngày trong tuần.
Chuyển biến trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ
Trước thực trạng vận chuyển hàng hóa quá tải trọng diễn ra ồ ạt, nguy cơ gây mất ATGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, liên tục trong tháng 9 và tháng 10/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm cũng như triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó vào tháng 11/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì tổ chức hội nghị cho 55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đầu mối hàng hóa, đơn vị xây lắp trên địa bàn tỉnh ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện đường bộ vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông. Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương xây dựng 3 trạm cân kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm qua địa bàn tỉnh, trang bị 7 bộ cân xách tay cho Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình và Công an các huyện.
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình, Phó Ban ATGT tỉnh cho biết: Đảm bảo được đầy đủ cơ sở vật chất và phương tiện nên liên tục từ tháng 9/2014 đến nay, toàn tỉnh đã tập trung kiểm tra tải trọng xe 24/24h, tất cả các ngày trong tuần trên quốc lộ 6 và kiểm tra lưu động, đột xuất 10 ngày/tháng trên đường Hồ Chí Minh. Phòng CSGT Công an tỉnh, Công an các huyện, Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt. Kết quả từ ngày 1/4/2014 đến ngày 31/5/2016, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra gần 34 nghìn lượt phương tiện, phát hiện và lập biên bản xử lý hơn 3.500 trường hợp vi phạm, phạt tiền 12,4 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 1.712 trường hợp. Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tình trạng chở hàng vi phạm quá tải đã giảm rõ rệt. Hiện tượng tránh, vượt, dừng đỗ trước hai đầu trạm đã được hạn chế. Số xe vi phạm tải trọng chỉ còn chiếm 5% số xe được kiểm tra, mức độ vi phạm chủ yếu ở mức quá tải dưới 30% tải trọng cho phép. Trật tự vận tải trên địa bàn tỉnh dần được lập lại.
Đặc biệt, trên các tuyến đường đã vắng bóng xe cơi nới vi phạm kích thước thùng hàng tham gia giao thông. Số xe hết niên hạn sử dụng, xe cơi nới thùng hàng chỉ còn được sử dụng trong các công trường, mỏ khai thác.
Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến rõ rệt đó, sau gần 2 năm thực hiện, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, phát sinh cần tập trung giải quyết dứt điểm.
Tập trung xử lý xe quá tải trọng trên các tuyến đường tỉnh và huyện
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, số lượng xe đường dài trên quốc lộ vi phạm tải trọng chỉ còn chiếm tỷ lệ rất ít nhưng tình trạng vi phạm trên các tuyến đường cắt ngang, đường tỉnh, huyện thì lại diễn ra phổ biến và tăng cao so với trước đây, đặc biệt là trên các tuyến đường tránh, đường cắt đấu nối với quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh thuộc quản lý cấp huyện. Công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường này cũng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Trong 2 năm qua, Công an các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Lương Sơn chỉ kiểm tra được 97 lượt xe (chiếm 0,3% tổng số lượt xe kiểm tra của toàn tỉnh). Cá biệt như huyện Lạc Thủy tuy đã được cấp bộ cân xách tay từ cuối năm 2015 nhưng đến ngày 31/5/2016 mới bắt đầu sử dụng để kiểm tra trọng tải phương tiện.
Chậm trễ, chưa quyết liệt là nguyên nhân chủ quan đầu tiên của tình trạng này. Ngoài ra còn phải kể đến một số nguyên nhân khách quan như: rào cản phân cấp tuần tra, kiểm soát, xử lý trên các tuyến đường giữa Công an tỉnh và Công an huyện. Công tác kiểm tra không thực hiện được 24/24h tất cả các ngày do bộ cân lưu động khi hoạt động cho kết quả không ổn định, không hoạt động được khi trời mưa. Việc cân xác định tải trọng đối với các phương tiện có trục phụ (chân co, chân duỗi) gặp nhiều khó khăn do lái xe dùng thủ thuật chống trục khi qua bàn cân.
Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng chí Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Huyện Lương Sơn có 30 mỏ đá, 24 mỏ nguyên liệu và 2 nhà máy xi măng. Huyện đã phối hợp tổ chức để 10/30 mỏ đá ký cam kết không bán hàng vượt quá tải trọng cho phép của phương tiện chuyên chở. Tuy nhiên, thực tế cách làm này không đạt hiệu quả như mong đợi. Hiện nay ở Lương Sơn tồn tại hiện tượng xe quá tải chở lâm sản chạy vào ban đêm, có xe máy đi trước dẫn đường và cảnh giới, gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, tồn tại lớn nhất trong suốt 2 năm qua và hiện đang tiếp tục xảy ra là chưa thực hiện được triệt để việc xử phạt chủ phương tiện để xe vi phạm chở quá tải trọng. Trong 2 năm qua, với 3.511 lượt xe vi phạm tải trọng, toàn tỉnh mới xử phạt được tổng số tiền 12,4 tỷ đồng. Trong đó xử phạt lái xe 9,9 tỷ đồng và xử phạt chủ phương tiện mới chỉ được 2,5 tỷ (bằng số tiền xử phạt lái xe). Đáng nói hơn trong số 7 đơn vị tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng có đến 5 đơn vị là Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an các huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Thủy không xử phạt được bất cứ 1 chủ phương tiện vi phạm nào.
Trước những tồn tại trên, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban ATGT tỉnh đã khẳng định: Cần tiếp tục vận động người dân và các đơn vị kinh doanh vận tải tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. ưu tiên bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm soát tải trọng xe tại các đường tỉnh, huyện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm người thực thi công vụ có hành vi nhũng nhiễu, bao che, dung túng cho lái xe, chủ kinh doanh vận tải vi phạm. Đặc biệt là phải phối hợp xử lý mạnh tới chủ phương tiện để xe vi phạm chở quá tải.