Lực lượng chức năng xử lý xe quá tải tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh
trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Quang Thịnh (Lạng Giang).
Theo ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của UBND tỉnh, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ. Đối với ngành GTVT Bắc Giang, kiểm soát tải trọng phương tiện được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Sở GTVT Bắc Giang đã tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, kiểm tra, xử lý phương tiện cơi nới thành thùng trái phép, chở hàng quá khổ, quá tải như: Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động của xe quá khổ, quá tải. Chỉ đạo Trung tâm kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ thực hiện nghiêm quy trình kiểm định phương tiện, kiên quyết từ chối không cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho hơn 400 trường hợp xe vi phạm.
Sở GTVT Bắc Giang cũng phối hợp với UBND các huyện, TP tổ chức ký cam kết, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của 212 chủ mỏ, bến bãi, nguồn hàng trên địa bàn. Chỉ đạo Thanh tra Sở, Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Công an tỉnh duy trì tốt việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung chủ yếu vào lỗi cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải.
Từ đầu năm đến nay, các tổ liên ngành đã kiểm tra, xử lý hơn 2,1 nghìn trường hợp chở hàng quá khổ, quá tải với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; cưỡng chế, vận động cắt thành thùng 450 trường hợp.
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương. Ngành GTVT Bắc Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện. Trước mắt, Sở tăng cường siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, chú trọng việc vận tải hàng hóa. Đưa Trung tâm theo dõi, điều hành hoạt động vận tải vào hoạt động để giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, bảo đảm các phương tiện được kiểm soát tốt, hoạt động nề nếp hơn.
Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra công tác giám sát việc thực hiện cam kết của các chủ mỏ, chủ bến bãi, nguồn hàng tại các huyện, TP. Tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, TP đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm; quản lý tốt cán bộ, công chức trực tiếp tham gia xử lý, kiểm soát tải trọng phương tiện, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, bao che cho xe quá tải...
Tuy nhiên theo ông Sơn, hiện nay công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp từ cơ chế, chính sách quản lý đến ý thức chấp hành của chủ xe, người điều khiển phương tiện. Cụ thể, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định chỉ xử phạt người điều khiển xe ô tô tải chở hàng vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông của xe từ 10% trở lên (từ 20% đối với xe xitec chở chất lỏng). Quy định này dẫn đến tiềm ẩn cho xe quá tải có điều kiện hoạt động, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định trên để bảo đảm đầy đủ điều kiện pháp lý phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải.
Trong thực thi nhiệm vụ, lực lượng Thanh tra Sở, Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động còn bị các đối tượng vi phạm chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho xử lý vi phạm. Điều kiện làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ còn thiếu, lạc hậu ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý.
Để duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, đưa hoạt động này đi vào nền nếp, bền vững, Sở GTVT Bắc Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm xem xét cho điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong công tác quản lý phương tiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế.
Quan tâm chỉ đạo các địa phương duy trì tốt hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện. Nếu chỉ một ngành, một số địa phương duy trì tốt hoạt động này mà các địa phương khác không chỉ đạo, thực hiện quyết liệt thì hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện khó đạt mục tiêu chấm dứt hoạt động của phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải.
Đề nghị UBND các huyện, TP tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các tuyến đường huyện, xã, địa điểm khai thác, tập kết khoáng sản, vật liệu xây dựng, hàng hóa. Kiên quyết đình chỉ hoặc báo cáo cấp thẩm quyền đình chỉ hoạt động các chủ mỏ, chủ bến bãi vi phạm cam kết về bốc xếp, vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải.