Hà Nội: Chính thức điều chuyển xe liên tỉnh khỏi bến xe Lương Yên

Thứ tư, 27/07/2016 15:29
Sáng 27/7, bến xe Lương Yên đã chính thức đóng cửa, hoàn thành sứ mệnh của một bến xe xã hội hóa sau 12 năm duy trì hoạt động.

Ghi nhận tại bến xe Lương Yên và ba bến Gia Lâm, Yên Nghĩa và Nước ngầm của phóng viên cho thấy việc di chuyển được các doanh nghiệp vận tải nghiêm túc chấp hành. Các bến đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động.

Công tác an ninh trật tự và an toàn giao thông được đảm bảo ngay trong ngày đầu thực hiện.

Phó Chánh Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, lực lượng chức năng đã làm việc suốt đêm để việc di chuyển các tuyến xe ra khỏi bến đáp ứng đúng tiến độ đề ra.

Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đội thanh tra địa bàn, đặc biệt là địa bàn quận Hai Bà Trưng thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an chốt trực để phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt; đồng thời hướng dẫn nhắc nhở người dân nắm bắt thông tin để di chuyển đến bến mới.

Ngoài khu vực bến Lương Yên, tại ba bến mới, lực lượng Thanh tra cũng chốt trực, hướng dẫn xe liên tỉnh ra vào bến tránh xáo trộn.

Theo các đơn vị bến tiếp nhận, các đơn vị kinh doanh vận tải đã ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức hoạt động cho các phương tiện trên bến theo quy định.

Đến thời điểm này, bến xe Gia Lâm có 13 đơn vị; bến xe Nước ngầm 17/34 doanh nghiệp; bến xe Yên Nghĩa 8/8 doanh nghiệp đã ký hợp đồng.

Tất cả các đơn vị kinh doanh từ bến xe Lương Yên chuyển về ba bến xe này đều đã ổn định hoạt động.

Các bến xe cũng đã thực hiện phương án tiếp nhận với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được điều chuyển về, nhanh chóng ổn định hoạt động của các doanh nghiệp cũng như việc đi lại của hành khách; hạn chế tối đa sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự.

Các bến cũng bố trí vị trí đỗ xe xếp khách và quầy bán vé cho các tuyến chuyển về.

Giám đốc bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cho hay, bến xe Gia Lâm tiếp nhận 133 chuyến/ngày của các tuyến Thái Bình và Quảng Ninh từ bến Lương Yên chuyển về.

Bến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được điều chuyển về nhanh chóng ổn định hoạt động; hạn chế tối đa sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự.

Bến còn bố trí vị trí xe đỗ, xe xếp khách và quầy bán vé cho các tuyến chuyển về. Một số doanh nghiệp đã chủ động đăng ký hoạt động tại bến được điều chuyển trước khi dừng bến xe Lương Yên nên đã sớm được ổn định. Cả lái xe, hành khách đều phấn khởi khi trở về bến mới được tốt hơn, an ninh trật tự được đảm bảo hơn.

Không chỉ cơ quan quản lý bến mà các nhà xe cũng vui vẻ, phấn khởi khi được chuyển về bến mới. Anh Nguyễn Văn Đáp, lái xe cho Công ty cổ phần Hoàng Hà chạy tuyến Thái Bình – Gia Lâm vui vẻ chia sẻ, do công tác chuẩn bị, quản lý, điều hành, sắp xếp lộ trình ra vào hợp lý, an ninh trật tự được chú trọng ở bến Gia Lâm khiến doanh nghiệp an tâm tin tưởng khi được chuyển sang đây.

“Hy vọng lượng khách sẽ tăng hơn so với khi hoạt động tại bến Lương Yên”, anh Đáp nói.

Trước đây phải sang bến Lương Yên để đi các tỉnh nhưng giờ đây ông Lê Ngọc Thịnh, phường Ngọc Lâm được ra ngay bến xe gần nhà để đi nên rất phấn khởi.

Ông Lâm cho biết, ông rất ủng hộ thành phố trong việc điều chuyển các tuyến xe từ Lương Yên sang bến Gia Lâm vừa giải quyết được ùn tắc trong nội đô mà khu vực bến xe Lương Yên dành để phục vụ xây dựng công trình khác thì phù hợp hơn.

Một số hành khách chưa biết việc di chuyển vẫn đến bến Lương Yên tỏ vẻ hơi tiếc vì đã nhiều năm bắt xe tại đây song cũng cho hay, thời gian tới phải chuyển sang các bến xe mới hơi xa một chút nhưng dần sẽ cũng quen.

Hiện nay, bến xe Lương Yên đã được rào chắn kiên cố, tránh hiện tượng một số xe của các doanh nghiệp quay trở lại bến hoạt động./.
 

Nguồn: TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:105232
Lượt truy cập: 176.231.231