Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 7/2016, lực lượng chức năng cả nước qua kiểm tra 62.068 phương tiện đã phát hiện 3.564 xe vi phạm về tải trọng, 374 xe vi phạm kích thước thành, thùng hàng, các vi phạm này chủ yếu được phát hiện qua cân xách tay. Trong khi đó, các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX), số lượng vi phạm rất thấp, cụ thể, tại Đắk Lắk, trong tháng 7/2016, có 1.060 phương tiện được kiểm tra tại Trạm cân số 53, nhưng chỉ phát hiện 35 trường hợp chở quá tải trọng quy định, còn qua sử dụng cân xách tay (chủ yếu cân tải trọng xe trên các tuyến tỉnh lộ) với 41 trường hợp đã phát hiện đến 36 xe vi phạm chở quá tải và kích thước thành, thùng hàng, tổng số tiền xử phạt (cả lái và chủ xe) trên 835 triệu đồng. Không chỉ riêng Đắk Lắk, tại TP. Hồ Chí Minh, trạm cân lưu động của địa phương này đã kiểm tra 278 trường hợp, nhưng chỉ phát hiện 18 trường hợp chở quá tải, còn khi kiểm tra bằng cân xách tay 156 trường hợp thì 100% đều chở quá tải trọng quy định, trong đó, có 16 phương tiện vi phạm kích thước thành, thùng hàng, tổng số tiền xử phạt gần 3,7 tỷ đồng, riêng xử phạt qua cân xách tay là 3,5 tỷ đồng.
Hạ tải đá nguyên khối của một phương tiện chở quá tải trọng thiết kế và tải trọng cầu trên 100%.
Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk, qua kiểm tra tại các trạm cân lưu động tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh giảm đến 85% so với trước, nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng xe chở hàng với khối lượng lớn chạy vào ban đêm nên rất khó kiểm soát. Chỉ tính từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7/2016, qua thông tin của người dân huyện Krông Bông gọi đến đường dây nóng, Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk đã mật phục, phát hiện, xử lý 6 xe đầu kéo sơ mi rơ moóc chở đá nguyên khối từ huyện Krông Bông đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Đáng chú ý, các xe bị phát hiện đều có tổng trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với trọng lượng cho phép qua các cầu yếu trên đường bộ. Đơn cử như cầu Krông Kmar (tỉnh lộ 12) tải trọng cho phép 18 tấn, cầu Chư Kpăm (tỉnh lộ 9) cho phép 13 tấn, cầu Giang Sơn (Quốc lộ 27) cho phép từ 28 đến 39 tấn, trong khi đó, các xe vi phạm bị phát hiện đều có tải trọng từ 60 đến gần 113 tấn. Đặc biệt, trong 2 tháng 6 và 7 vừa qua, ngành chức năng tỉnh đã phát hiện nhiều vi phạm lớn về tải trọng của một số doanh nghiệp (DN) như: DN tư nhân Ánh Kim (tỉnh Bình Định) dùng xe đầu kéo chở đá nguyên khối lưu thông trên Quốc lộ 27, với trọng tải 60 tấn, bị xử phạt hành chính 19,5 triệu đồng và buộc phải hạ tải; Công ty TNHH dịch vụ vận tải thương mại Phú Thiện chở quá tải trọng từ 10 đến 20%, DN tư nhân vận tải Hương Thạch quá tải trên 20 đến 50%. Đáng chú ý vào ngày 25/7, Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk đã phát hiện xe biển kiểm soát 77C-085.94 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Gia Khôi có trụ sở tại tỉnh Bình Định chở đá nguyên khối nặng 112,9 tấn, vượt tải trọng cho phép của thiết kế xe và tải trọng cầu trên 100%, đã bị lập biên bản xử phạt hành chính trên 80 triệu đồng.
Theo ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk, mỗi ngày đơn vị đều phân công từ 1 đến 2 đội thực hiện cân xe lưu động trên các tuyến tỉnh lộ, nhưng việc kiểm soát xe quá tải trong ngày là rất khó khăn, bởi các chủ xe (chủ yếu chạy nội tỉnh) thường bố trí “cò” quanh quẩn trước cổng Sở GTVT, khi thấy xe của thanh tra đi làm nhiệm vụ là bám theo và gọi điện thông báo cho các xe né tránh bằng đường khác hoặc “án binh bất động” ở các điểm bốc xếp hàng hóa, cây xăng. Chưa kể, nhiều chủ, lái xe còn lợi dụng chở quá tải vào ban đêm để qua mặt lực lượng chức năng như các vụ chở quá tải với khối lượng lớn được phát hiện, xử lý trên tỉnh lộ 9, 12 và Quốc lộ 27. Nếu không mật phục, không có sự phối hợp, cung cấp thông tin qua đường dây nóng của người dân địa phương thì lực lượng chức năng rất khó phát hiện, xử lý.
Để từng bước khắc phục tình trạng xe vi phạm tải trọng, đầu tháng 8/2016, Ban An toàn giao tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua cân xách tay trang bị cho CSGT các địa phương trong tỉnh, qua đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Sở GTVT Đắk Lắk, trong vòng 10 ngày (từ 1 đến 10/8/2016) khi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt có hiệu lực, Thanh tra Sở đã phát hiện, lập biên bản 8 trường hợp chở quá tải trọng quy định, qua đó, xử phạt trên 108 triệu đồng, trong đó, phạt tổ chức, DN 70 triệu, lái xe 38,3 triệu; tước giấy phép lái xe 3 trường hợp.