Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo lực lượng CSGT tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của xe quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, một số địa bàn trọng điểm như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao và các địa bàn tập trung nhiều kho, cảng, bến bãi, nhà máy, mỏ khai thác, chế biến khoáng sản. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá nhằm xác định vị trí dừng kiểm tra, vị trí hạ tải, vị trí tạm giữ phương tiện vi phạm tải trọng. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả bộ xe cân lưu động do Bộ Giao thông vận tải cấp, Công an tỉnh Phú Thọ đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trang bị thêm 5 cân xách tay phục vụ việc kiểm tra tải trọng lưu động.
Công an thành phố Việt Trì kiểm tra, xử lý xe ô tô vi phạm tải trọng.
Tại tất cả các huyện, thành, thị đã thành lập các trạm liên ngành kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng xe với thành phần gồm lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng cảnh sát khác phối hợp với Thanh tra giao thông. Trạm kiểm tra liên ngành đã duy trì kiểm tra 24/24giờ, chia làm 3 ca liên tục, 7 ngày trong tuần, tập trung trên các quốc lộ trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh như QL2, QL32, QL70, QL70B và các nút IC8; nút IC10 nối các tuyến quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ xe quá khổ, quá tải khi tham gia giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông còn tập trung xử lý mạnh các trường hợp tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành, thùng xe so với thiết kế của nhà sản xuất. Tất cả các trường hợp này ngoài việc bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính còn phải chấp hành việc cắt, loại bỏ những phần tự ý cơi nới.
Thời gian đầu triển khai, một số lái xe và chủ hàng đã có những hành vi chống đối như: Đóng cửa xe bỏ đi, tìm cách đi đường vòng để tránh trạm cân, từ đó đã gây nhiều khó khăn cho những người thực thi nhiệm vụ. Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cùng với việc kiên quyết xử lý các hành vi chống đối, các hành vi “cò mồi” dẫn đường cho xe quá khổ, quá tải, Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức tuyên truyền và ký cam kết đối với 247 chủ doanh nghiệp và 1.811 cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ, không chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe và cầu, đường bộ. Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, chỉ tính riêng từ ngày 01/4/2014 đến 01/8/2016, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, lập biên bản: 9.234 trường hợp vi phạm; xử lý nộp kho bạc Nhà nước 26.179.150.000đ; tạm giữ 79 xe ô tô, tước giấy phép lái xe 5.772 trường hợp. Tất cả các trường hợp chở quá tải trọng đều buộc phải hạ tải, đảm bảo đủ tải trọng theo thiết kế của xe và của cầu đường mới tiếp tục cho lưu hành.
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, song nghiêm túc nhìn nhận, vẫn còn một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý xe ô tô vi phạm tải trọng, vẫn còn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân. Để hiệu quả đạt được trong việc xử lý xe ô tô quá khổ, quá tải thực sự bền vững, với quyết tâm ngăn chặn triệt để xe ô tô quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ngày 03/8/2016, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ ban hành Điện số 43/HT chỉ đạo các phòng chức năng thuộc Công an tỉnh và Công an huyện, thành, thị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải bằng xe ô tô.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Điện số 43/HT, ngày 03/8/2016 của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn. Cùng với đó, lực lượng công an đã phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động vận tải, kết quả thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm, đảm bảo TTATGT của lực lượng Công an, thông qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường bộ của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, một số huyện, thành, thị lực lượng công an đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch nhằm huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.
Do triển khai quyết liệt các giải pháp nên tình trạng xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh đã được ngăn chặn có hiệu quả, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Thông qua việc tuyên truyền, nhắc nhở đã làm thay đổi nhận thức của chủ các doanh nghiệp và đội ngũ lái xe trong việc tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều trang bị hệ thống cân điện tử và tiến hành kiểm tra tải trọng xe và hàng hóa trước khi tham gia giao thông.