Thanh Hoá: Cần tăng cường TTKS ban đêm, đối với xe chở xi măng quá tải
Báo cáo tại buổi làm việc, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng Công an và TTGT đã xử lý 68.347 trường hợp vi phạm giao thông, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 77 tỷ đồng. Trong đó, tiền xử phạt đối với xe vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ gần 28 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác của Bộ GTVT
làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác kiểm soát tải trọng xe
Tuy nhiên, qua đánh giá chung tại buổi làm việc, tính đến thời điểm tháng 9/2016, trên địa bàn Thanh Hóa đang tái diễn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Đặc biệt, xe chạy vào các đường liên huyện, liên xã, đường đê và nhất là vào ban đêm nhằm né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, dân số đông (3,6 triệu người), phương tiện nhiều, hệ thống đường giao thông lớn. Đặc biệt, hai đầu của tỉnh Thanh Hóa là hai khu công nghiệp, tình hình phương tiện lưu thông qua và trên địa bản tỉnh luôn phức tạp. Dọc tuyến QL1A, xe chở xi măng có hiện tượng chở gấp đôi lưu thông vào ban đêm. Tại các công trường, xe chở cát, chở VLXD quá tải trọng cho phép vẫn còn tồn tại, gây mất ATGT và phá hỏng các công trình giao thông.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Minh - Chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho hay: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 10% xe quá tải, rất khó xử lý. Nhiều huyện còn xem việc xử lý quá tải, quá khổ là của cấp tỉnh. Đối với lực lượng Thanh tra giao thông, việc dừng xe xử lý cũng gặp khó khăn mặc dù lực lượng Thanh tra đông (80 người) nhưng chỉ có 29 người là Thanh tra viên đủ thẩm quyền dừng xe vi phạm kiểm tra theo quy định”.
Còn Đại Tá Khương Duy Oanh – PGĐ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tình trạng xe quá tải chạy chui lủi rất nhiều và chạy chủ yếu ở các đường làng, đường đê, không ra Quốc lộ. Đặc biệt tập trung ở các mỏ cát và đê ở huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh lực lượng và tăng cường cán bộ, chiến sỹ của Phòng CSGT, huyện về các xã xử lý xe quá khổ, quá tải và quy trách nhiệm rõ cho người đứng đầu”.
Đại tá Khương Duy Oanh - PGĐ Công an tỉnh Thanh Hóa phát biểu
tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT
Cũng theo Đại tá Khương Duy Oanh, sở dĩ xe quá tải tái diễn là do hiện nay đang vào mùa xây dựng. Đại tá Oanh cũng đề xuất trang bị thêm hệ thống cân xách tay cho các đơn vị để tạo sự đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng xe.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận những kết quả mà Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua, đã kéo giảm cả 3 tiêu chí về TNGT. Tuy nhiên, trước tình trạng tái diễn vấn nạn xe quá khổ, quá tải trên địa bàn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành tiếp các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch xử lý triệt để vi phạm về tải trọng phương tiện khi tham gia giao thông vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Các lực lượng chức năng cần tập trung TTKS, xử lý tại các điểm mỏ, nơi tập kết, nhà máy xi măng và công trường đang thi công.
Đối với lực lượng TTGT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý: “Sau khi kết thúc kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, lực lượng TTGT cần chủ động trong công việc, xem xét lại nhiệm vụ chức năng của mình. Cái nào cần phối hợp với Công an thì phối hợp, cái nào không cần thì phải chủ động, không phụ thuộc. Vướng mắc, khó khăn ở đâu phải phân tích rõ tình hình thực tế rồi đưa ra giải pháp phù hợp mới giải quyết được vấn đề. Nếu khó quá ở tỉnh không giải quyết được thì có văn bản báo cáo ra TƯ để xử lý dứt điểm.
Riêng đối với lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị cần tăng cường TTKS nhất là vào ban đêm, đối với những phương tiện chở xi măng quá tải thì kiên quyết cho dừng xe để xử lý nghiêm. Ngoài ra, cũng mở những đợt cao điểm xử lý xe quá tải, quá khổ.
“Trong những tháng cuối năm và gần dịp Tết nguyên đán 2017, tôi đề nghị các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa mời các doanh nghiệp vận tải đến tuyên truyền và ký cam kết không để xảy ra tình trạng bến cóc, xe dù, mất ATGT, phải an toàn, chất lượng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý thêm.
Ninh Bình: Cần phân rõ trách nhiệm để kiểm soát tải trọng xe hiệu quả
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 11.000 phương tiện vận tải hàng hóa, trong đó có gần 9.300 xe tải, 820 xe đầu kéo, 830 xe sơ mi rơ-mooc.
Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thời gian qua, lực lượng Thanh Tra giao thông đã kiểm tra 2.077 phương tiện xử lý 248 phương tiện vi phạm; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp kho bạc Nhà nước hơn 900 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 65 trường hợp.
Công an tỉnh đã kiểm tra và xử lý 207 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 3 tỷ đồng. Trạm KTTTX lưu động được UBND tỉnh quyết định thành lập đã hoạt động 24h/ngày và 7 ngày trên tuần.
Từ tháng 9/2016 TKTTTX đã triển khai mô hình hoạt động không có lực lượng Cảnh sát giao thông và đặt trạm kiểm soát tải trọng di chuyển trên các tuyến đường. Lực lượng liên ngành tại Trạm KTTTX lưu động đã kiểm tra 1.960 phương tiện; xử lý 562 phương tiện vi phạm; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp kho bạc Nhà nước trên 5,1 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình
Trong 8 tháng đầu năm 2016, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được duy trì, đi vào hoạt động ổn định góp phần giảm TNGT. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Công an không tham gia vào lực lượng liên ngành của Trạm KTTTX (theo thông báo số 13/TB-BCA- V11 ngày 8/9/2016 của Bộ Công an) công tác kiểm soát tải trọng xe gặp một số khó khăn đó là: Lực lượng Thanh tra duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe còn mỏng; điều kiện, phương tiện phục vụ công tác còn hạn chế nên việc kiểm soát khép kín địa bàn trên các tuyến, các đầu mối xếp hàng còn gặp khó khăn.
Việc lựa chọn vị trí đặt Trạm KTTTX lưu động trên các tuyến đường, tỉnh, huyện, đường vào khu vực mỏ, đầu mối xếp hàng gặp khó khăn. Các quy định về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động Trạm cân…
Công tác kiểm tra tải trọng cần phải toàn diện và cụ thể
Từ đó, công tác kiểm tra tải trọng xe có nhiều xáo trộn, tình hình xe quá tải có chiều hướng bùng phát trở lại.
Tại buổi làm việc, cán bộ Đoàn kiểm tra và các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã thảo luận đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong công tác kiểm soát tải trọng xe và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ: Ninh Bình là một tỉnh thực hiện quyết liệt việc kiểm soát tải trọng xe, do vậy phương tiện quá khổ, quá tải giảm. Tỉnh cần phát huy cách làm hay trong đảm bảo TTATGT nói chung và kiểm soát tải trọng xe nói riêng.
“Trong thời gian tới đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hoá cần nắm chắc địa bàn, tình hình, phân rõ trách nhiệm để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe; Ngành Công an, Thanh tra Giao thông cần tăng cường mở các đợt hoạt động cao điểm kiểm soát tải trọng xe; Sở GTVTcủng cố lực lượng Thanh tra giao thông, chuyển hoạt động của Trạm cân tải trọng xe cho Thanh tra giao thông quản lý điều hành hoạt động”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
P.V (t.h)