VEC cho biết, ngày 10/3/2017, đơn vị đã đưa Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) vào khai thác nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát tình hình giao thông trên tuyến; xử lý kịp thời các sự cố giao thông; giám sát hoạt động và bảo trì các loại thiết bị lắp đặt dọc tuyến trong điều kiện làm việc tốt nhất, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn, thuận tiện, góp phần tối đa hóa hiệu quả đầu tư của Dự án.
Cùng với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS), VEC cũng đưa vào khai thác hệ thống thu phí kín tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với 33 cửa sử dụng công nghệ RFID và 8 cửa thu phí tự động (ETC) nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho khách hàng lưu thông trên tuyến; đồng thời, tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho Chủ đầu tư, thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm của công tác thu phí.
Để triển khai hệ thống thu phí kín, VEC đã ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đối với các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cụ thể như sau:
VEC cho biết, mức giá trên không thay đổi so với mức giá hiện tại đang áp dụng trên tuyến, và sẽ được áp dụng khi hệ thống thu phí kín trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây chính thức đưa vào khai thác; thời gian dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2017.
Tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đều phải thanh toán giá dịch vụ sử dụng để đảm bảo khả năng hoàn vốn của Chủ đầu tư, trừ các trường hợp được miễn phí theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải.
Cầu Long Thành
Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư, quản lý và khai thác. Dự án được khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015, với tổng chiều dài 55km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Đây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Đây cũng là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Năm 2016, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã phục vụ an toàn 13,5 triệu lượt phương tiện, tăng 38% về lưu lượng so với năm 2015, bình quân đạt 37.000 - 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm (dịp Tết Đinh Dậu vừa qua có ngày tuyến phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện). Trong 2 tháng đầu năm 2017, có 2,6 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn qua tuyến, đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm trước.
Tuấn Anh