1. Thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu.
Trong quá trình thanh tra, khi thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra hành chính ra văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu. Trong văn bản này có các nội dung: tên, loại thông tin, tài liệu cần cung cấp; thời gian, địa điểm cung cấp; người tiếp nhận thông tin, tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp; đại diện của đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ký tiếp nhận văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu.
Trong một số trường hợp, do khối lượng thông tin, tài liệu yêu cầu cung cấp lớn, người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra hành chính xây dựng thành biểu mẫu để yêu cầu đối tượng thanh tra căn cứ vào đó tổng hợp, báo cáo với Đoàn thanh tra. Đồng thời, cán bộ thanh tra xem xét, tận dụng những tài liệu có sẵn, không đưa ra những yêu cầu để đối tượng thanh tra phải tổng hợp, tính toán phức tạp, dẫn đến việc cung cấp thông tin, tài liệu bị kéo dài, ảnh hưởng tới thời gian thanh tra.
Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu được lập thành 03 bản, trong đó người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu giữ 02 bản để theo dõi thực hiện và lưu hồ sơ thanh tra; đối tượng thanh tra nhận 01 bản để thực hiện. Sau khi ra văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phải theo dõi, đôn đốc việc cung cấp thông tin, tài liệu đó.
Thực tiễn cho thấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu đặt ra từ phía Đoàn thanh tra với quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, thể hiện sự cộng tác, phối hợp và trách nhiệm, nghĩa vụ trong quá trình thực hiện quyết định thanh tra. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm hoặc những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa hiểu đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra nói chung và việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho yêu cầu cuộc thanh tra nói riêng, phổ biến có tình trạng chậm trễ cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra như: kéo dài thời gian cung cấp thông tin, tài liệu bằng cách đưa ra các lý do như: người phụ trách, nắm giữ thông tin tài liệu đi vắng (đi công tác, nghỉ phép...); kho lưu trữ thường xuyên chuyển địa điểm; tài liệu bị thất lạc...
Trong những trường hợp này, người thực hiện quyền yêu cầu cần bình tĩnh để đánh giá các hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
- Trường hợp đối tượng thanh tra gặp khó khăn khách quan trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu, người thực hiện quyền yêu cầu cần tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp như: động viên, gia hạn thời gian cung cấp. Trong trường hợp có thể, người thực hiện quyền yêu cầu tìm nguồn tài liệu tại các cơ quan có liên quan.
- Trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, người thực hiện quyền yêu cầu cần có các biện pháp sau:
+ Đến thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, người thực hiện quyền yêu cầu phải lập Biên bản ghi nhận những tài liệu đã có và chưa có.
+ Thực hiện quyền niêm phong tài liệu nếu xét thấy cần thiết.
+ Sau một số lần lập biên bản (thường là 3 lần), người thực hiện quyền yêu cầu tổng hợp tài liệu còn thiếu để báo cáo người có thẩm quyền (người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra).
+ Kiến nghị người ra quyết định thanh tra để kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý về hành vi của cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở hoặc không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu.
Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, xác định đây là mối quan hệ phối hợp, hợp tác nhằm phục vụ cho mục đích thanh tra, người thực hiện quyền yêu cầu cần:
- Thuyết phục, vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp.
- Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra không cung cấp, người thực hiện quyền yêu cầu báo cáo người có thẩm quyền (người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra) để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
2. Thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.
Trong giai đoạn tiến hành thanh tra, Luật Thanh tra quy định: người ra quyết định thanh tra hành chính, Trưởng Đoàn thanh tra hành chính và thành viên Đoàn thanh tra hành chính đều có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Tuy nhiên, do trong giai đoạn này, Đoàn thanh tra đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra trực tiếp, để tập trung sự chỉ đạo, người ra quyết định thanh tra thường yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra được cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra tạo điều kiện cho Đoàn thanh tra thực hiện. Bởi lẽ, xác định việc thực hiện quyền này là nghĩa vụ của đối tượng thanh tra nhưng đồng thời nó cũng chính là quyền của đối tượng thanh tra được giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Tuy nhiên, trong những trường hợp có những thiếu sót, vi phạm, đối tượng thanh tra thường tìm cách che giấu bớt thông tin, giải trình thiếu căn cứ đối với những nội dung đó.
Trong trường hợp đó, Đoàn thanh tra có thể tổ chức đối thoại hoặc chất vấn đối tượng thanh tra, qua đó, yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Mục đích của đối thoại, chất vấn giữa Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra là một biện pháp thu thập thông tin, tài liệu nhằm làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của đối tượng thanh tra.
Trong tổ chức đối thoại, chất vấn, các Đoàn thanh tra thường thực hiện nguyên tắc sau đây:
- Đoàn thanh tra phải chủ động trong suốt quá trình tiến hành đối thoại, chất vấn. Trưởng Đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra chuẩn bị nội dung, những câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm để đối tượng thanh tra trả lời
- Trong khi đối thoại hoặc chất vấn, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra bảo đảm quyền dân chủ; không áp đặt quan điểm, gợi ý theo chủ quan của mình; chỉ đưa ra kết luận khi đối tượng thanh tra không đủ chứng cứ bảo vệ hoặc khi Đoàn thanh tra đã có chứng cứ được thẩm tra, xác minh.
- Việc đối thoại, chất vấn phải được làm đúng thủ tục hành chính; có biên bản ghi câu hỏi và trả lời; những ý kiến tiếp nhận hoặc giải trình của đối tượng thanh tra (có thể kèm theo băng ghi âm, ghi hình).
Biên bản đối thoại, chất vấn được đọc lại cho đối tượng nghe, ký tên, được lưu trong hồ sơ thanh tra làm căn cứ để kết luận thanh tra.
Đồng thời, để hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra hành chính chỉ đạo thu thập hồ sơ tài liệu của các cơ quan đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tại các đơn vị là đối tượng thanh tra để tham khảo và kế thừa những nội dung đã được làm rõ, tiến hành kiểm tra, xác minh những nội dung chưa được xem xét hoặc đã xem xét nhưng kết luận chưa rõ ràng. Ngoài quyền trực tiếp yêu cầu, Trưởng Đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra thu thập, nghiên cứu, phân tích thông tin, tài liệu, chứng cứ; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công.
3. Thực hiện quyền yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hành chính có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Khi phát hiện và có căn cứ cho rằng các khoản tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật, xét thấy cần phải ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật.
- Để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc báo cáo kết quả thanh tra, kết luận, xử lý về nội dung thanh tra.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, thực tiễn việc thực hiện quyền yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật đã được các cơ quan thanh tra và người có thẩm quyền thực hiện để kịp thời yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật hoặc làm cơ sở để phục vụ xác minh chứng cứ phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra.
Khi có căn cứ hoặc khi nhận được báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định việc yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật ngay trong ngày nhận được báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra, đồng thời gửi quyết định đã ban hành cho người ra quyết định thanh tra để báo cáo; trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng quyền này, Trưởng đoàn thông báo lại cho thành viên Đoàn thanh tra biết và nêu rõ lý do.
Khi yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật thường có ít nhất hai thành viên trong Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra. Thành viên Đoàn thanh tra đề xuất việc tạm giữ cùng đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện đối tượng thanh tra kiểm tra tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật theo quyết định yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ; đóng gói; dán niêm phong đối với đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật tạm giữ (niêm phong có chữ ký của thành viên Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra); lập biên bản tạm giữ có chữ ký xác nhận của thành viên Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra.
Việc quản lý tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật được thực hiện như sau: đối với tiền, yêu cầu đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chủ trì tiến hành cuộc thanh tra; đối với những tài sản đặc biệt như vàng, đá quý thì giao cho cơ quan chức năng quản lý; đối với các tài sản thông thường khác có thể giao cho đối tượng thanh tra tự quản lý.
Thông tin liên quan đến việc thực hiện quyền yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật thường được giữ bí mật, không tiết lộ cho đối tượng thanh tra và đối tượng có liên quan trước khi thực hiện nhằm ngăn chặn các hành vi tẩu tán, sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, huỷ hoại tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra.
4. Thực hiện quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra.
Theo quy định của Luật thanh tra, trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra. Đồng thời, người ra quyết định thanh tra cũng có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có biện pháp thu hồi triệt để tiền sai phạm đã được phát hiện qua thanh tra. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện quyền này trên thực tế. Bởi vì, đây là một quyền năng rất lớn nhưng cũng rất nhạy cảm, phức tạp, nếu thực hiện quyền này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đối tượng thanh tra, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Bị phong tỏa tài khoản, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động, hệ quả tiếp theo là việc làm, là đời sống của người lao động. Trong khi đó, các quy định về phong tỏa tài khoản hiện nay còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể. Do đó, mặc dù quyền này đã được quy định nhưng cho đến nay vẫn chưa có tính khả thi trên thực tế.
5. Thực hiện quyền yêu cầu trưng cầu giám định.
Theo quy định của Luật thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra nhằm làm rõ những tình tiết của sự việc, sự vật hoặc một hành vi, tài liệu nào đó thông qua việc sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại kết hợp với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của giám định viên để đánh giá, kết luận về chuyên môn, kỹ thuật làm cơ sở cho những nhận xét, kết luận về nội dung thanh tra.
Thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy, có những hành vi, sự việc liên quan đến vấn đề chuyên môn hoặc kỹ thuật, Đoàn thanh tra không thể đánh giá, kết luận được như: hàng thật hay giả, giấy tờ thật giả, chữ thật hay giả, chất lượng sản phẩm hàng hóa, chất lượng công trình... Vì vậy, để đảm bảo cho việc đánh giá, kết luận của Đoàn thanh tra được chính xác, khách quan và đúng pháp luật thì Trưởng Đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra cho thực hiện quyền trưng cầu giám định.
Trong nhiều cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra thường đề nghị Người ra quyết định thanh tra trưng cầu giám định với tổ chức giám định có đủ năng lực về trình độ của giám định viên, phương tiện máy móc thiết bị giám định. Việc trưng cầu giám định luôn thể hiện bằng văn bản, ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định. Đồng thời, khi đề nghị giám định, cơ quan thanh tra xây dựng hợp đồng giám định, việc giao nhận các thông tin, tài liệu hoặc vật chứng để cung cấp cho cơ quan giám định đều lập biên bản. Trưởng đoàn thanh tra theo dõi, đôn đốc tiến độ giám định, không can thiệp vào hoạt động chuyên môn giám định và kết quả giám định.
Việc giao nhận kết quả giám định giữa tổ chức giám định và Đoàn thanh tra được lập thành biên bản. Biên bản giao nhận kết quả giám định thường rất chặt chẽ, bao gồm các nội dung như kết luận giám định và các tài liệu liên quan tới kết luận giám định, những tài liệu đã cung cấp cho cơ quan giám định. Khi nhận kết quả giám định hoặc trong quá trình sử dụng kết quả giám định, trong trường hợp xét thấy chưa đáp ứng yêu cầu đã đặt ra hoặc thấy kết quả giám định chưa chính xác, không phù hợp với thực tế khách quan, Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra yêu cầu tổ chức giám định đã giám định hoặc tổ chức giám định khác giám định lại.
Thực tế thời gian qua cho thấy việc trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra đã được thực hiện tương đối tốt, thông qua kết quả giám định đã giúp người ra quyết định thanh tra có cơ sở khoa học để kết luận, đảm bảo chính xác, khách quan. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay trong việc thực hiện quyền này là kinh phí giám định. Theo Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra, kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả; trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì sẽ do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Có nhiều trường hợp đòi hỏi chi phí cho việc giám định là khá lớn (giám định cầu, đường, công trình xây dựng…). Trong khi đó, ngân sách của các cơ quan thanh tra có hạn. Trong trường hợp kinh phí giám định chưa có trong dự toán kinh phí đầu năm của cơ quan thanh tra thì việc chi cho hoạt động giám định lại càng khó khăn. Hiện nay, các văn bản pháp luật về thanh tra chưa có quy định cụ thể về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra. Do đó, tại nhiều địa phương, các cơ quan thanh tra còn rất dè dặt và khó khăn trong việc thực hiện quyền này./.
TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra