Năm 2016, VEC phục vụ 30,8 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu và tổng lưu lượng tăng trên 30% so với năm trước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, đã có 15,6 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc, tăng 10% so với lượng phương tiện qua lại trong nửa đầu năm 2016.
Tính đến thời điểm hiện tại, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt trong một ngày đêm.
Nút giao IC7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Nhìn nhận về hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT đánh giá, thời gian qua, những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây… đã mang lại hiệu quả to lớn khi gia tăng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian và góp phần hạ giá thành vận tải. Theo tính toán, chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% GDP, vì thế khi cước vận tải hạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được mở ra đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, các khu vực lân cận và cả nước; giúp giao thương giữa các tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề; tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương với nhiều đột phá; khơi dậy tiềm năng du lịch tâm linh rất lớn của các địa phương.
Bám theo tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 2 cơ sở y tế lớn nhất cả nước là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xây dựng cơ sở 2 tại vị trí chỉ cách nút giao Liêm Tuyền chưa đầy 1km. Điều này càng tạo thêm nhiều thuận lợi cho bệnh nhân các tỉnh có điều kiện tiếp cận nền y học tiên tiến với khả năng cứu sống và cứu chữa kịp thời bệnh nhân tăng lên.
Tương tự, với chiều dài 245km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của ngành Giao thông vận tải, tạo đà dịch chuyển kinh tế-xã hội, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng vượt bậc về vận tải hàng hóa và hành khách, nhất là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng đối với vận tải hàng hóa và hành khách.
Những tháng đầu năm 2017, hoạt động vận tải của tỉnh Yên Bái tăng 4,8% về tấn và doanh thu so với cùng kỳ 2016; khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5%, tăng 1,9% về doanh thu so với cùng kỳ 2016. Hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái tiếp tục khởi sắc; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 23,3% và tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,5% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay đã có 17 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 190,5 tỷ VNĐ.
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc với chiều dài hơn 40km (Km7+700 đến Km47+900) đã giúp việc giao thương của địa phương với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng được thuận tiện, góp phần tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Báo cáo quý I/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, nhiều công trình, dự án giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô hiện đại kết nối với Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả tuyến cao tốc. Nếu như trước đây, từ sân bay Nội Bài, các doanh nghiệp chỉ có thể vận chuyển hàng hóa qua tuyến QL2 thì nay có thêm sự lựa chọn mới, đó là đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đến tháng 3/2017, toàn tỉnh thu hút được 234 dự án FDI và 663 dự án DDI, trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, thép Việt Đức, Prime Vĩnh Phúc…đang đầu tư rất thành công tại tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc kết nối tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tỉnh Phú Thọ thông qua 4 nút giao (IC7, IC8, IC 9 và IC10) đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho tỉnh Phú Thọ nói chung và khơi dậy tiềm năng du lịch của địa phương nói riêng.
Trước đây, mặc dù sở hữu nhiều “địa chỉ đỏ” về du lịch, song Lào Cai khá chật vật mới thu hút 1 đến 1,2 triệu khách du lịch. Ấy nhưng từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai thông xe, năm 2015, tỉnh này đã đón 2,5 triệu lượt khách, dự kiến đến năm 2020 con số 5 triệu khách du lịch/năm có thể thành hiện thực. Tỉnh cũng đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng đồng bộ. Trong đó, Khu thương mại công nghiệp Kim Thành có quy mô lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc, là cầu nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, tạo sức hút lớn cho tỉnh Lào Cai huy động nguồn lực đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đánh giá, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, không chỉ của người dân Yên Bái, mà cả 5 tỉnh tuyến cao tốc đi qua; hay như đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông C67 Nguyễn Hữu Dánh: Hiệu quả của các tuyến cao tốc là rất rõ nét và không ngừng nâng lên. Nội Bài – Lào Cai từ chỗ chỉ phục vụ 3.000 phương tiện/ngày đêm, giờ đã nâng lên 20.000 – 25.000 lượt phương tiện/ngày đêm và ngày càng nhiều hơn – “Đất lành chim đậu, đường tốt thì phương tiện đến”.
Còn với Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kể từ khi thông xe toàn tuyến tới nay đã giúp thu hẹp một nửa khoảng cách và rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh, các phương tiện tiết giảm 20-30% chi phí nhiên liệu.
Việc toàn tuyến cao tốc này đưa vào khai thác đã góp phần làm tăng doanh thu từ du lịch của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng… Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm thông xe toàn tuyến cao tốc này, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước, quận 9, TP. Hồ Chí Minh đã kéo giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… và thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực quận 9, quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), huyện Nhơn Trạch và Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Nhìn nhận về cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, được đưa vào khai thác từ tháng 02/2015, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh Thái Văn Chung cho rằng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là công trình giao thông rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuyến đường giúp kéo giảm cự ly cũng như thời gian di chuyển cho các loại xe từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đi Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Đây là một phương án quy hoạch giao thông đúng đắn. Cũng theo ông Chung, cả doanh nghiệp vận tải cũng như doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải đều được hưởng lợi nhờ tuyến cao tốc này. Đồng quan điểm, ông Đặng Trọng Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Phương Trang cho biết, tuyến cao tốc này có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian cũng như chi phí xăng dầu.
Trong khi đó, giảng viên Đại học GTVT - Thạc sỹ Phạm Sanh cũng cho rằng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mở ra đúng lúc và tính hiệu quả rất cao vì từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc hiện chỉ có tuyến đường duy nhất là Quốc lộ 1. Trong đó đoạn qua Hố Nai, Biên Hòa (Đồng Nai) thường xuyên bị kẹt cứng. "Ngoài việc rút ngắn khoảng cách và thời gian nhanh hơn, cao tốc này còn giúp giảm ùn tắc và tai nạn trên Quốc lộ 1, nhất là đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có mật độ dân cư rất lớn", ông Sanh cho biết.
Bên cạnh mang lại hiệu quả lớn đối với xã hội, người tham gia giao thông và các doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa, hành khách, việc đưa các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây vào vận hành khai thác còn góp phần to lớn giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên QL1, QL70 và cửa ngõ vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, “khi hệ thống cao tốc được kết nối còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác. Không cần tỉnh nào cũng phải xây dựng cảng biển, sân bay bởi nhờ có đường cao tốc, cả vùng có thể sử dụng chung những hạ tầng giao thông đó – Phân tích của TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
Gần 13 năm trưởng thành cũng là ngần ấy năm Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường cao tốc, ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội vô cùng to lớn, chứng tỏ hướng đầu tư của VEC là đúng hướng, khẳng định vai trò nòng cốt, số 1 của VEC trong đầu tư phát triển, vận hành khai thác hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
VP. VEC