Rất nhiều người tốt
Quay lại ga Hà Nội, anh Phong được tổ tàu gửi lại tài sản tận tay. “Thật không biết nói gì, họ là những người tử tế và rất cẩn thận” - anh Phong xúc động.
Đây chỉ là một trong số những trường hợp khách đi tàu bỏ quên hành lý trên toa được “nhà tàu” tìm trả lại gần đây. Nét đẹp này được coi là tiêu chí cộng điểm thi đua trong phong trào “Người tốt việc tốt” trên các chuyến tàu.
Tuy đã cách nửa năm nhận lại được tài sản, nhưng anh Đ.H.Đ. (ngụ Hà Nội, làm nghề xây dựng) vẫn cảm thấy rất vui khi chia sẻ việc được tổ tàu gửi trả tài sản bỏ quên. Lần đó là giáp tết, anh đi tàu SE1 từ Hà Nội về quê ngoại Quảng Bình. Dịp này, anh mang gần 80 triệu đồng vào trả lương cho anh em công nhân. Lúc xuống ga Đồng Hới, anh bỏ quên tiền lương công nhân trên tàu. Về đến nhà ngoại, anh Đ. mới phát hiện quên hành lý liền tức tốc chạy ra ga Đồng Hới. Nhưng chuyến tàu SE1 đã tiếp tục hành trình về Huế.
Trong lúc chưa biết phải làm sao, anh mừng rỡ khi nhận tin từ trưởng tàu Phạm Văn Chung và tiếp viên Nguyễn Thị Thanh có nhặt được hành lý của anh. Chỉ mấy tiếng sau, từ Huế tổ tàu SE1 đã gửi hành lý thông qua con tàu ngược lại trả cho anh Đ. tại ga Đồng Hới.
“Tôi rất biết ơn tổ tàu. Qua sự việc này, tôi thấy xã hội có rất nhiều người tốt, văn minh” - anh Đ. chia sẻ.
Trưởng tàu SE7-8 Lâm Trọng Đức kiểm đếm và gửi trả tài sản bỏ quên cho hành khách đi tàu
Không thể nhận “tiền cảm ơn”
Trưởng tàu SE3 Hoàng Ngọc Thành (37 tuổi, quê Nghệ An) nói rằng khách đi tàu thường bỏ quên nhiều thứ từ túi quà quê, sạc pin điện thoại... đến rất nhiều tiền.
Cũng có hành khách liên lạc được với tổ tàu chỉ mong tìm được giấy tờ, chứ một vài triệu đồng đối với họ không quan trọng.
“Nhưng trách nhiệm của tổ tàu là trả lại đầy đủ, dù một ngàn đồng nằm trong ví cũng không được thiếu” - anh nói.
Vị trưởng tàu SE3 cho biết theo quy định, khi phát hiện khách quên tài sản, tổ tàu phát loa thông báo tìm người nhận lại. Trường hợp chưa tìm ra, tổ sẽ kiểm tra hành lý, ghi rõ từng loại tài sản trong biên bản dưới sự chứng kiến của nhiều người.
“Từ khi làm trưởng tàu tới nay, tôi chưa thấy thành viên nào trong tổ tàu nhặt được của rơi mà nảy lòng tham cả. Quy định nhà nước đã rõ rồi, nhặt được của rơi phải trả lại cho người mất” - anh Thành nói.
Có nhiều hành khách nhận lại được tài sản rất vui, họ gửi ít tiền cho tổ tàu uống nước. Trưởng tàu Thành cười hiền: “Anh chị, cô bác có cảm thấy hài lòng thì viết một lá thư cảm ơn để anh em tổ tàu được ghi nhận, chứ tiền cảm ơn thì xin được từ chối”.
Theo trưởng tàu Thành, thư cảm ơn là cơ sở cho anh em tổ tàu có điểm cộng trong thi đua. Ngoài điểm cộng, sau mỗi lần làm việc tốt đơn vị có phần thưởng khuyến khích 200.000 đồng.
Trưởng tàu SE7-8 Lâm Trọng Đức (46 tuổi) cũng nói nhiều lúc cảm thấy khó xử vì người nhận lại tài sản cứ nằng nặc đòi... gửi tiền cảm ơn.
Mới đây, tổ tàu cũng phát hiện một giỏ hành lý, bên trong có gần 50 triệu đồng của một nữ hành khách bỏ quên. Số tiền này do người con đi làm xa gửi mẹ mang về quê lo việc gia đình. Chị có ý gửi lại 1 triệu đồng nhưng trưởng tàu Đức từ chối.
Anh Đức nói không thể nhận được, đồng tiền nào cũng mồ hôi nước mắt, việc họ bỏ quên cần phải được trả lại là bình thường, là đạo lý ở đời.
160 hành khách được trả lại tài sản
Trong bảng danh sách gương “Người tốt việc tốt” của đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn), tính từ đầu năm 2017 tới nay có hơn 160 hành khách được các tiếp viên, trưởng tàu trả lại tài sản bỏ quên.
Bất kể tài sản từ nhỏ đến số tiền lớn đều được các tổ tàu lập biên bản giao trả, hoặc bàn giao cho ga gần nhất chờ khách đi tàu tới nhận lại. Trên cơ sở các biên bản này, nhiều cá nhân tiếp viên, trưởng tàu được đơn vị khen thưởng trong việc không tham của rơi, tìm người trả lại.