Tuyến đường sắt Bắc - Nam (ảnh lớn). Anh Lê Văn Chung (ảnh nhỏ)
Rải cát xuống đường ray tăng ma sát cho tàu
Vào nghề từ năm 1983, anh Lê Văn Chung, công nhân lái tàu bậc 3/3, Tổ trưởng Tổ lái tàu 8/IV (Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn) không nhớ mình đã điều khiển bao nhiêu chuyến tàu, đã bao lần đối mặt với nguy cơ mất an toàn mà bằng kinh nghiệm, bản lĩnh của người tài xế lái máy đã xử lý nhanh, tránh được tai nạn, đưa những chuyến tàu “đi đến nơi, về đến chốn”. Nhưng với anh, những khó khăn trong suốt hơn 30 năm lái tàu, mỗi lần vượt qua lại thêm một kinh nghiệm quý và cũng là niềm vui để thêm gắn bó, yêu nghề hơn.
Anh Chung kể, trước đây anh được giao nhiệm vụ điều khiển máy D9E, máy RE có công suất nhỏ, chỉ 900 mã lực, lại là đầu máy cũ từ thời Mỹ ngụy. Trong khi, cung chặng được giao là tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng có nhiều đường cong, dốc lớn. Điển hình là dốc Bàu Cá có 2 khu gian Trảng Bom - Dầu Giây - Long Khánh độ dốc đến 15%, cao và dài 15km nên dễ bị chết máy, tụt dốc. Vì thế, những năm 80 thế kỉ trước, để tàu leo dốc, nhiều khi anh phải đứng đu bám trên ba-đờ-xốc phía trước đầu máy, cầm lon cát, rải xuống đường ray nhằm tăng ma sát, độ bám cho bánh xe.
Với tình yêu, tâm huyết với nghề, lái tàu Lê Văn Chung đã cùng tổ lái máy đạt nhiều thành tích, gần đây tổ lái máy 8/IV đã hai lần danh hiệu Tổ lao động xuất sắc cấp Bộ GTVT các năm 2013, 2016. Bản thân anh Chung năm 2015 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 đạt Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 9 và vinh dự được là một trong ba đại biểu ngành GTVT dự Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư tổ chức. |
“Cứ vậy, tàu chỉ chạy với tốc độ 3-5km/h, từ từ bò lên dốc, không bị trôi dốc nữa. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng người lái tàu phải căng tai, chỉ cần nghe tiếng máy “rú” và tốc độ bánh xe là phán đoán có xuống rải cát hay không để tránh gãy máy, tàu trôi dốc”, anh Chung nhớ lại. Anh kể, những năm 2000, nạn phá rừng, “đi” củi, than của người dân khu vực Rừng Lá (Đồng Nai, Bình Thuận) vẫn diễn ra phức tạp. Tàu hàng chạy chậm qua hoặc dừng chờ trước khi lên dốc thường bị dân leo lên cúp hãm, khóa hãm để “lên hàng” than, củi, gỗ. Nhất là lúc tàu đang lên dốc Sông Dinh, Sông Phan (Bình Thuận) nằm trên đường cong, rất dễ chết máy, tuột dốc, trật bánh, đổ tàu. Vì vậy, trước khi cho tàu chạy, anh tiến hành thử hãm, căng tai nghe lượng xả gió để biết hãm đoàn tàu có thông suốt hay không mà xử lý kịp thời.
Nhiều lần, cũng bằng kinh nghiệm và cái tâm người lái tàu, anh đã tránh được tai nạn tàu va người và phương tiện không chú ý khi đi qua giao cắt đường bộ - đường sắt. Như lần ở Sóng Thần, khi tàu đang chạy khu vực đường sắt song song đường bộ, quan sát thấy từ xa có ánh đèn xe ô tô chạy rất nhanh, đoán lái xe ô tô sẽ rẽ ngoặt vào đường ngang phía trước nên anh vội kéo còi liên tục, đồng thời hãm tàu. Thật may, tàu dừng kịp thời, tránh được tai nạn nghiêm trọng vì đúng như phán đoán của anh, xe ô tô tông cả cần chắn lao qua đường ngang.
“Bây giờ nhiều đường ngang, lối đi dân sinh, ý thức người tham gia giao thông còn kém, vượt ẩu qua đường sắt. Vì thế, mỗi khi lên ban lái máy kéo tàu, người tài xế không chỉ chú ý vấn đề kĩ thuật, mà còn phải căng tai, căng mắt quan sát để có thể phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn TNGT, xử lý kịp thời”, anh Chung chia sẻ.
Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 9 - lái tàu Lê Văn Chung tận tụy, tâm huyết với nghề
Kỷ lục 9 lần đạt “Kiện tướng”
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề lái tàu, anh Chung cho biết, nhà gần ga Sài Gòn nên từ nhỏ đã gắn bó, yêu nhà ga, con tàu. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh không do dự mà chọn ngay học nghề lái tàu. Khi đi làm, cùng với thời gian, tình yêu ấy ngày càng lớn, anh càng tâm huyết, trách nhiệm hơn với nghề.
Với anh Chung, khi tiếp nhận lái bất kỳ đầu máy nào, từ các loại lạc hậu trước kia, cho đến đầu máy Đổi mới hiện đại công suất 9.000 mã lực hiện nay, đều phải cố gắng tìm hiểu, nắm bắt và thông hiểu kỹ thuật, tính năng của đầu máy, nhất là những hỏng hóc nhỏ hay gặp để sửa chữa, khắc phục ngay dọc đường, tránh phải cứu viện, gây chậm tàu. Anh và nhiều lái tàu khác luôn phải nỗ lực tìm hiểu và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm nhiên liệu nhất khi chạy tàu.
“Mỗi khi qua cung đoạn Bình Thuận, khu vực có nhiều dốc lên xuống hình sin, tàu đang giảm tốc để xuống dốc lại phải tăng tốc để lên dốc, nếu điều khiển máy không khéo sẽ rất tốn nhiên liệu. Vì vậy, tôi luôn chú ý tính toán để hãm điều chỉnh sao cho hiệu quả, giữ được tốc độ. Nhờ đó, năm nào chúng tôi cũng tiết kiệm được hàng nghìn lít nhiên liệu cho đơn vị”, anh Chung dẫn ví dụ.
Với nhiều nỗ lực và hơn 30 năm chạy tàu an toàn, mới đây anh Chung đã được Tổng công ty Đường sắt VN công nhận danh hiệu Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 9 - một kỷ lục ít ai vượt qua được. Để đạt được danh hiệu này rất khó, phải đạt được ít nhất 100.000km an toàn trong 3 năm, không được có lỗi mất an toàn do chủ quan, ngoài ra phải là lao động giỏi, đạt thành tích tiết kiệm nhiên liệu, chấp hành nội quy tốt và nhiều tiêu chí khác.
Là Tổ trưởng Tổ Lái máy gồm 10 anh em tài xế, anh Chung cũng luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc quy trình quy phạm cũng như các quy định của ngành, đơn vị. Mặt khác, không giấu nghề, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp và lớp lái tàu trẻ. “Kiến thức, kinh nghiệm mà không truyền lại cho anh em chỉ là kiến thức chết”, anh Chung nói.
“Mặc dù ngành Đường sắt có nhiều giai đoạn khó khăn, ngay cả bây giờ cũng vậy, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề”, anh Chung tâm sự và chia sẻ với lớp lái tàu trẻ, nên tập trung học hỏi cả về kiến thức mới và kinh nghiệm người đi trước bởi kiến thức phải được tích lũy, tay nghề phải được ôn luyện thường xuyên mới giỏi được.
Hỏi xin anh vài bức ảnh chụp cùng người thân trong gia đình, anh bảo ảnh hiếm lắm vì “cứ lễ, Tết là đi tàu tăng cường”.
Nói về lái tàu Lê Văn Chung, ông Trần Thanh Băng, Quản đốc Phân xưởng Vận dụng chia sẻ: “Anh Chung là một trong những lái tàu giỏi, tâm huyết với nghề và rất trách nhiệm với công việc. Giao anh lái chuyến tàu nào, đi loại đầu máy gì, hay kèm cặp phó tài xế, chúng tôi đều rất yên tâm, tin tưởng”.